5 năm chìm trong khủng hoảng kinh tế, đồng thời rơi vào suy thoái trở lại năm 2012, đã khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao kỷ lục ở châu Âu nới rộng thêm khoảng cách giàu nghèo giữa Bắc và Nam Âu.
Báo cáo về việc làm và phát triển xã hội của Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố, cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại châu Âu đã tăng lên mức cao nhất trong gần 2 thập niên qua, với thu nhập gia đình giảm và nguy cơ nghèo đói gia tăng, đặc biệt ở các khu vực Nam và Đông Âu. Tỷ lệ thất nghiệp trung bình của EU đã tăng từ 7,1% năm 2008 lên 10,6% trong quý 3-2012. Tại Cyprus, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 9,5 % trong tháng 11-2011 đã tăng lên mức 14% trong tháng 11-2012. Với Hy Lạp, con số này tăng từ 18,9% lên 26%; Bồ Đào Nha từ 14,1% lên 16,3%... Trái ngược với con số gây sốc ở các nước Nam Âu, tỷ lệ thất nghiệp cùng kỳ của Đức là 5,4%.
Trong khi đó, các quốc gia Bắc Âu khác như Bỉ, Luxembourg hay Hà Lan chỉ cao hơn Đức khoảng 1%. Enda Kenny, Thủ tướng Ireland, quốc gia hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU), trong chuyến thăm Đức vừa qua đã gọi tình trạng này là “không thể chấp nhận”. Trước đó, trong một lần hiếm hoi can thiệp vào đời sống chính trị-kinh tế thế giới, Giáo hoàng Benedict XVI đã phải lên tiếng cảnh báo rằng khoảng cách giàu nghèo giữa Bắc và Nam Âu thật sự là một mối đe dọa cho EU.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên vấn đề về khoảng cách giàu nghèo được cảnh báo, nhưng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, vấn đề trên đang gây ra những rào cản cho phát triển kinh tế chung của khối. Rất nhiều các cuộc tranh luận nảy lửa đã nổ ra về việc, liệu chính sách tài chính “phù hợp cho tất cả” các thành viên trong khối có thể duy trì lâu dài, khi khoảng cách về giàu nghèo giữa 2 khu vực tiếp tục bị nới rộng. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), thành phần chính trong kế hoạch giải cứu kinh tế châu Âu, đã phải lên tiếng vì khó có thể áp dụng chính sách tiền tệ chung cho cả khối với tình trạng giàu nghèo chênh lệch giữa Bắc và Nam.
Không chỉ có vậy, kết quả tiêu cực này sẽ là nhân tố thổi bùng sự chia rẽ vốn đang tồn tại giữa các quốc gia thành viên trong khối về các chính sách đang thực thi (như thắt lưng buộc bụng) nhằm đưa châu Âu ra khỏi khủng hoảng. Tình trạng chia rẽ sẽ là mối nguy cho châu Âu trong tình cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.
Trước những nguy cơ hiện hữu xuất phát từ khoảng cách giàu nghèo giữa các khu vực châu Âu, Ủy viên phụ trách về vấn đề việc làm và xã hội của EU Laszlo Andor đã kêu gọi các quốc gia thành viên đầu tư hiệu quả hơn vào giáo dục và đào tạo, quản lý chi tốt hơn đối với các chính sách thị trường lao động năng động và hỗ trợ chương trình tạo ra các việc làm đòi hỏi tay nghề cao trong các lĩnh vực đang phát triển như kinh tế xanh, thông tin và công nghệ truyền thông.
Trong nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng nghèo đói ngày càng gia tăng và nguy cơ bị gạt ra rìa xã hội, EC cũng lên kế hoạch công bố gói trợ giúp đầu tư xã hội trong năm nay để tiếp tục huy động nguồn lực của người dân châu Âu nhằm thúc đẩy tăng trưởng và gắn kết khu vực, đặc biệt là ở Nam Âu.
Đỗ Cao