Khởi động một dự án mang tầm khu vực

Thế kỷ 21 là thế kỷ của sinh học - nhiều nhà khoa học đã dự báo về việc phát triển vượt bậc của ngành công nghệ sinh học như thế. Hòa chung với xu thế trên, TPHCM đã xây dựng kế hoạch phát triển công nghệ sinh học. Trong đó có một dự án mang tầm khu vực là xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học, một trong các công trình trọng điểm của TPHCM giai đoạn 2006 - 2010.

Chúng ta sẽ có một trung tâm công nghệ sinh học (CNSH) với các chức năng như nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đào tạo và sản xuất các sản phẩm trong lĩnh vực CNSH phục vụ cho nông nghiệp, y tế và môi trường. Trung tâm CNSH TPHCM (HCMBIOTECH) sẽ là một mô hình mới có tầm cỡ tại khu vực Đông Nam Á”. TS Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ TPHCM hồ hởi cho biết.

Trụ sở chính của trung tâm sẽ được xây dựng tại quận 12 với khuôn viên khoảng 23 ha. Đây sẽ là nơi nghiên cứu, ứng dụng công nghệ gien vào sản xuất, đặc biệt là sản xuất vaccine và dược sinh học (protein tái tổ hợp có đặc tính dược phẩm).

Trung tâm CNSH là một mô hình kiểu mới với 4 chức năng: Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng các đề tài khoa học liên quan đến CNSH phục vụ nông nghiệp, y tế và môi trường; tiếp nhận chuyển giao, dịch vụ tư vấn và triển khai các công nghệ, kỹ thuật hiện đại về CNSH để sản xuất các sản phẩm sinh học; đào tạo thực nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ KHKT về CNSH nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, sản xuất; tổ chức sản xuất kinh doanh, thương mại hóa các sản phẩm liên quan đến lĩnh vực CNSH.

TS Dương Hoa Xô cho biết: Trung tâm đang tiến hành các thủ tục chọn nhà tư vấn thiết kế. Dự kiến sẽ mời nhà tư vấn thiết kế nước ngoài, gồm các công ty đã có kinh nghiệm, nhằm thiết kế xây dựng trung tâm có quy mô lớn và hiện đại mang tầm khu vực. Dự kiến trong 3 năm (2006 - 2008) sẽ hoàn thành giai đoạn 1 với việc xây dựng khu nhà hành chính, khu thực nghiệm, các phòng thí nghiệm.

Giai đoạn 2 của dự án sẽ hoàn thành vào năm 2010. Trong giai đoạn đầu, khu nhà chính nghiên cứu về CNSH sẽ hoàn thành đáp ứng cho khoảng 200 cán bộ nghiên cứu làm việc.

Trung tâm đang tiến hành đánh giá lại tiềm năng và thực trạng của ngành CNSH, khảo sát thị trường liên quan đến các sản phẩm sinh học. Công việc này được tiến hành không chỉ ở viện, các trường ĐH tại TPHCM mà còn cả nước.

Bắt đầu tiếp cận các thị trường cho sản phẩm sinh học. Đi sâu vào các chế phẩm sinh học phục vụ cho việc nuôi tôâm, nuôi cá, nghiên cứu cây trồng chuyển gien, nhân nhanh giống hoa lan cho kế hoạch chuyển đổi cây trồng của TP và khu vực. Trung tâm đã cử cán bộ đi Canada, Mỹ, Nhật… để tham quan, học hỏi tìm phương án thích hợp cho trung tâm và phù hợp bước đi của TP.

Một việc quan trọng khác là lựa chọn cán bộ khoa học đưa đi đào tạo trong và ngoài nước. Đây là việc quan trọng vì chi phí đầu tư cao để xây dựng hiện đại mà không có con người sử dụng các phòng thí nghiệm một cách hiệu quả thì rất lãng phí. Lực lượng cán bộ khoa học của trung tâm phải có tối thiểu 200 người để đáp ứng nhu cầu phát triển đến năm 2010.

Trong khi đó, hiện nay trung tâm chỉ có hơn 20 cán bộ (trong đó có 2 tiến sĩ, 3 thạc sĩ). Ngoài việc chủ động đào tạo, trung tâm cũng tính đến việc thu hút các nguồn lực khác đã được đào tạo trong nước hoặc mời các chuyên gia sinh học nước ngoài về hợp tác.

TS Dương Hoa Xô tâm sự: Điều lo lắng nhất hiện nay là vấn đề nhân sự và tổ chức làm sao cho trung tâm làm việc hiệu quả. Còn nhiều bài toán đặt ra cho các nhà khoa học tại Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố, chúng ta tin một trung tâm khoa học hiện đại đang dần hiện rõ nhằm phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH thành phố và cả nước nay mai.

QUỐC ANH

Tin cùng chuyên mục