Khởi nghiệp từ chữ

Đều đặn mỗi ngày, trang “Ngày ngày viết chữ” lại đăng tải một bài viết, kể những câu chuyện giản dị, nho nhỏ về tiếng Việt và những góc nhìn văn hóa thông qua con chữ. Ít ai ngờ, chỉ là một trang luận bàn về chữ nghĩa, lại có thể giúp cho Nguyễn Thị Thùy Dung “sống khỏe” suốt gần 4 năm qua.  
Facebooker Nguyễn Thị Thùy Dung của trang “Ngày ngày viết chữ”
Facebooker Nguyễn Thị Thùy Dung của trang “Ngày ngày viết chữ”

Trên trang “Ngày ngày viết chữ” có 2 chuyên mục được duy trì thường xuyên là Chuyện chữ chuyện nghĩa và Nguồn gốc của từ. Gần đây nhất, trang đưa ra từ “thịnh soạn”, một từ Hán Việt được dùng khá phổ biến nhưng không phải ai cũng rõ nghĩa. Ở bài viết này, Thùy Dung giải thích: “thịnh” là nhiều, đầy đủ, đông đúc, phong phú, ta thường dùng trong hưng thịnh, thịnh vượng. Còn “soạn” là cỗ, tiệc, cỗ bàn, chỉ việc ăn uống, tiệc tùng. 

Không dừng ở đó, cô còn liên hệ thêm để người đọc có cái nhìn nhiều chiều: “Thịnh soạn gần như là trường hợp duy nhất mà chữ “soạn” này còn dùng. Các trường hợp - biên soạn, soạn thảo, soạn giả... là một chữ “soạn” khác. Chỉ sau vài ngày đăng tải, bài viết có gần 1.000 người yêu thích, được đông đảo các bạn trẻ bình luận và chia sẻ. Nhiều con chữ khác cũng được Thùy Dung giải nghĩa cặn kẽ, đi kèm với đó là hình ảnh tinh giản. Tất cả tạo nên phong cách gần gũi, thoải mái, mang đến những góc nhìn mới mẻ trong tiếng Việt. 

Giống như các bạn trẻ khác, tốt nghiệp khoa Báo chí (Trường ĐH KHXH-NV TPHCM) vào năm 2012, Thùy Dung cũng theo đuổi nghề báo, sau đó chuyển qua làm marketing cho một vài công ty. Song song với thời gian này, cô mở blog để tập hợp những bài viết từ công việc copywriter của mình. Đến tháng 7-2017, Dung bắt đầu “chuyển nhà” lên Facebook, tạo trang “Ngày ngày viết chữ” rồi cần mẫn viết bài, xem như một niềm vui hàng ngày sau những áp lực từ công việc. Qua mỗi ngày, niềm vui đó dần dần lớn lên. Hai năm sau, Dung quyết định dừng hết tất cả công việc ở công ty để chuyên tâm cho “Ngày ngày viết chữ”. 

Đến bây giờ Dung vẫn không quên thời điểm vào tháng 5-2019, tình cờ có người chia sẻ một album của trang, từ đó tạo ra một cơn sốt trong cộng đồng. Chỉ trong một tuần, “Ngày ngày viết chữ” tăng 20.000 lượt theo dõi. “Điều này động viên tôi rất nhiều. Trong quá trình đọc sách và tham khảo từ các nguồn tài liệu, tôi nhận ra, lâu nay chúng ta đã không hiểu tiếng Việt, chỉ dùng như một phản ứng tự nhiên mà thôi. Trong những nội dung mà tôi chia sẻ, tiếng Việt được các bạn trẻ quan tâm rất nhiều và cũng mong muốn được học. Thu nhập chính của tôi là từ những khóa học như vậy”, Thùy Dung tiết lộ. 

Từ tháng 3-2019, Dung bắt đầu có các lớp học viết và lớp dạy tiếng Hán, mỗi lớp có khoảng 10 - 15 người. Những khóa học về tiếng Việt như Làm thế nào để dùng tiếng Việt cho trúng và đúng; Đều do tự học mà nên... chỉ sau vài ngày ra thông báo, đã nhanh chóng được “chốt đơn”.

Theo chia sẻ của Thùy Dung, thu nhập từ “Ngày ngày viết chữ” gấp 4 lần so với nghề cũ. Hiện tại, “Ngày ngày viết chữ” có hơn 143.000 lượt theo dõi mà không hề tốn kinh phí cho truyền thông, quảng cáo. Điều đặc biệt nhất của trang là mỗi ngày chỉ đăng một bài duy nhất vào lúc 11 giờ 28.

Theo Thùy Dung, để có nội dung đều đặn như vậy thì phải có kế hoạch. Thời kỳ đầu, vào ngày chủ nhật, cô sẽ làm kế hoạch cho cả tuần rồi dành thời gian để viết trước. Trong cách làm marketing hiện nay, thông thường mỗi ngày người ta sẽ đăng 3 - 4 bài và chọn đăng vào các giờ vàng để có nhiều người đọc. Còn “Ngày ngày viết chữ” thì ngược lại, hoàn toàn không theo cách làm này. 

Thùy Dung chia sẻ: “Theo tôi, khi nội dung đủ thú vị, thời gian đăng tải không phải là vấn đề. Người ta không đọc bữa nay thì hôm sau sẽ vào đọc. Nhưng việc tạo ra một khung giờ cố định như vậy là cách để người ta nhớ trang, biết mình có tổ chức nội dung tốt, không phải tùy hứng. Như vậy, đây cũng có thể xem là một cách marketing khiến mọi người nhớ đến mình”.

Năm 2020, dưới tác động của dịch Covid-19, để thích ứng, nhiều công việc đã chuyển sang hình thức mới, là hoạt động trực tuyến. Không thể dạy trực tiếp như trước, Thùy Dung bắt đầu chuyển sang dạy online. Nếu trước đây đối tượng học chủ yếu là ở TPHCM hay một vài tỉnh lân cận thì nay, lớp học của cô mở rộng ra cho những bạn ở nước ngoài như Nhật Bản, Mỹ, Canada, Pháp, Phần Lan, Trung Quốc… Họ là những người Việt đang sinh sống, học tập ở nước ngoài có mong muốn hiểu hơn về tiếng Việt. Mỗi lớp học online của Dung có khoảng 20 người, đa phần là các bạn trẻ nhưng cũng có những người lớn tuổi. 

Theo chia sẻ của Thùy Dung, sau cuốn sách Từ vay hay dùng do NXB Kim Đồng ấn hành vào cuối năm 2019, trong tháng 3 này, cô sẽ ra mắt thêm một cuốn sách liên quan đến chữ là Chữ xưa còn một chút này. Sách tập hợp một số bài trên trang “Ngày ngày viết chữ”, cộng thêm một số bài chưa đăng với 2 phần: từ Hán Việt và những từ tiếng Việt bị mờ nghĩa,

Tin cùng chuyên mục