TPHCM thành lập Ban Chỉ đạo phát triển hệ thống đường sắt đô thị

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên vừa ký quyết định số 2708-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị của thành phố. Đây là bước quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển giao thông vận tải bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM làm Trưởng ban.

Đồng chí Nguyễn Văn Được, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Phó Trưởng Ban Thường trực cùng các Phó Trưởng Ban gồm các đồng chí: Nguyễn Thanh Nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM.

19 ủy viên Ban Chỉ đạo gồm lãnh đạo UBND TPHCM, Ban Tổ chức Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy, Ban Nội chính Thành ủy, Thanh tra TP, các lãnh đạo sở, ban ngành TP và các địa phương...

Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo là triển khai, tổ chức thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 28-2-2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 188/2025/QH15 ngày 19-2-2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TPHCM; Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 16-3-2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM về thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 28-2-2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn TPHCM.

26c-5084-6155.jpeg

Quyết định việc thành lập, kiện toàn các tổ công tác, tổ tư vấn, các tổ chức trực thuộc Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo phân công của Ban Chỉ đạo.

Quyết định ban hành, điều chỉnh, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo.

Xem xét, cho ý kiến, kết luận các nội dung quan trọng để định hướng, chỉ đạo UBND TPHCM, sở, ban, ngành, Thành ủy TP Thủ Đức, quận ủy, huyện ủy để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đáp ứng yêu cầu; kịp thời chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án đường sắt đô thị và dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD.

Xem xét, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định các giải pháp để bảo vệ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đem lại giá trị, hiệu quả thiết thực, đóng góp tích cực trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị.

Đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ; quyết định kiểm điểm, kỷ luật; quyết định điều động, thay thế cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý nếu không đáp ứng yêu cầu công việc phân công; quyết định bố trí chức vụ cao hơn đối với các trường hợp lãnh đạo phạm vi quản lý hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.

Cơ chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, Sở Xây dựng là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo; sử dụng bộ máy, nhân sự đang phụ trách để thực hiện nhiệm vụ được giao; xây dựng Quy chế hoạt động trình Trưởng Ban Chỉ đạo ký ban hành; giúp Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình công tác của Ban Chỉ đạo; thực hiện, tổng hợp các nội dung phục vụ các cuộc họp của Ban Chỉ đạo; xây dựng dự toán kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo (như chi phí cho hội đồng cố vấn, chuyên gia tư vấn...) trình cấp thẩm quyền phê duyệt; chuẩn bị tài liệu, báo cáo và dự thảo thông báo kết luận của các kỳ họp định kỳ hoặc đột xuất của Ban Chỉ đạo; tổng hợp, báo cáo các hoạt động chung của Ban Chỉ đạo và thực hiện một số nhiệm vụ khác do Trưởng Ban Chỉ đạo giao.

Ban Chỉ đạo chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy và phân công nhiệm vụ của Trưởng Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo hoạt động theo nguyên tắc tập thể và Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định nội dung thực hiện. Phó Trưởng Ban Thường trực giúp Trưởng Ban Chỉ đạo kiểm tra, theo dõi, tổng hợp, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Ban Chỉ đạo sử dụng con dấu của Thành ủy TPHCM khi Trưởng Ban Chỉ đạo hoặc Phó Trưởng Ban Chỉ đạo (các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy) ký văn bản của Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo giao Phó Trưởng Ban Thường trực, Chủ tịch UBND TPHCM được quyết định thành lập/kiện toàn các Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo; mời các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học (trong nước và quốc tế) nghiên cứu phản biện trong quá trình nghiên cứu, đề xuất phương hướng, giải pháp, cơ chế, chính sách để triển khai các công việc liên quan.

Ủy viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm về lĩnh vực công tác theo chức năng, nhiệm vụ được phân công phụ trách và chịu trách nhiệm trước Đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo về kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công.

Ủy viên Ban Chỉ đạo tham gia xuyên suốt trong quá trình tham mưu, thực hiện (tham gia đầy đủ các buổi giao ban định kỳ, các buổi họp đột xuất của Ban Chỉ đạo; trường hợp dự họp thay phải có văn bản ủy quyền theo quy định) đảm bảo tiến độ, chất lượng công việc theo yêu cầu.

Tin cùng chuyên mục