Khơi thông chính sách ngành công nghiệp hỗ trợ

Hàng loạt chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước đã được triển khai từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, đến nay hầu hết doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này luôn bị vướng do công tác triển khai thiếu đồng bộ, thậm chí chỏi nhau, khiến ngành công nghiệp hỗ trợ đang cần được… hỗ trợ!
Khơi thông chính sách ngành công nghiệp hỗ trợ

Hàng loạt chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước đã được triển khai từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, đến nay hầu hết doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này luôn bị vướng do công tác triển khai thiếu đồng bộ, thậm chí chỏi nhau, khiến ngành công nghiệp hỗ trợ đang cần được… hỗ trợ!

Sản xuất khuôn mẫu phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ tại Công ty TNHH Lập Phúc. Ảnh: CAO THĂNG

Mỏi mòn chờ phê duyệt

Qua các đợt khảo sát của Đoàn đại biểu HĐND TPHCM về tình hình sản xuất, kinh doanh ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trên địa bàn TP, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cơ khí chế tạo đều “kêu” rằng, việc lập hồ sơ tiếp cận nguồn vốn vay theo chương trình kích cầu của TP rất khó khăn! Ngay cả những doanh nghiệp có tài sản lớn, làm ăn có lãi và đóng thuế tốt, cũng chật vật khi tiếp cận nguồn vốn vay này.

Đơn cử, Công ty TNHH Lập Phúc, quận 7 có báo cáo tài chính minh bạch, trong đó 3 năm gần nhất đều thể hiện doanh thu tăng cao qua hàng năm, trên dưới 100 tỷ đồng và nộp ngân sách cũng như lợi nhuận ròng đạt hàng chục tỷ đồng. Để nâng cao năng lực và công suất sản xuất khuôn mẫu kỹ thuật cao, tháng 2-2014, Công ty Lập Phúc đã nộp hồ sơ tham gia chương trình kích cầu TP thông qua Dự án đầu tư Xây dựng Trung tâm nghiên cứu phát triển và chế tạo khuôn mẫu. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được sự chấp thuận vì lý do chưa có hạn mức đầu tư cho mô hình tòa nhà, vừa có văn phòng vừa có xưởng sản xuất! Chưa kể, việc Sở Tài chính yêu cầu phải ghi chính xác tên và giá tiền của thiết bị cũng đưa đến những khó khăn, bất lợi cho doanh nghiệp. Bởi nếu trong quá trình triển khai dự án, doanh nghiệp tìm được thương hiệu máy tốt hơn và giá tiền rẻ hơn sẽ không thể thay đổi được khi dự án đã được phê duyệt. “Để tháo gỡ những vướng mắc này, chúng tôi đề nghị trong hồ sơ dự án chỉ nên quy định giá trị xây dựng cơ bản và giá trị mua sắm thiết bị trong phạm vi khoản đề nghị vay vốn của doanh nghiệp. Sau khi thực hiện dự án, doanh nghiệp sẽ báo báo với cơ quan chức năng cụ thể khoản vốn được vay đầu tư chi tiêu ra sao”, Giám đốc Công ty khuôn mẫu chính xác Lập Phúc kiến nghị.

Theo đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Công thương và Ban Kinh tế ngân sách HĐND TPHCM, căn cứ quy định hiện hành thì việc Sở Xây dựng, Sở Tài chính đưa ra những yêu cầu và chi tiết hóa các khoản như trên vào hồ sơ dự án vay vốn kích cầu của doanh nghiệp là quá máy móc, gây khó cho doanh nghiệp. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp khi muốn tham gia Chương trình kích cầu và những chính sách hỗ trợ khác của TP.

Tại Hội thảo Tham vấn dự thảo Nghị định về Phát triển CNHT ngày 2-10 vừa qua, ngay Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công thương - ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng thừa nhận: “Từ năm 2011, Chính phủ đã ban hành hàng loạt quyết định (QĐ) như QĐ 12 về “Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ”; QĐ 1483 về “Danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên”… nhưng đến nay chưa có doanh nghiệp sản xuất CNHT nào trong nước có thể tiếp cận được các ưu đãi. Chỉ có một doanh nghiệp nước ngoài duy nhất lọt vào danh sách hưởng chính sách ưu đãi này. Một vài doanh nghiệp trong nước khi nhận được thông tin đã nộp hồ sơ xin được hưởng các chính sách ưu đãi hỗ trợ, nhưng sau đó đành bỏ cuộc”!

Kiến nghị cơ chế đặc thù

Ngay cả những doanh nghiệp nhà nước với nguồn lực dồi dào, nhưng để được duyệt thông qua một dự án cũng “bạc đầu” chờ đợi và đến khi dự án được duyệt thì cơ hội có thể đã vuột mất. Dự án Nhà máy sản xuất vi mạch (chip điện tử) của Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn là một điển hình. Dự án này đã được khởi động trước năm 2006 và được UBNDTP chấp thuận chủ trương. Các bước nghiên cứu kỹ thuật để đầu tư cũng như việc sắp xếp vốn đã được doanh nghiệp triển khai ổn thỏa từ những ngày đầu. Tuy nhiên, vào đầu tháng 9-2014, Hội đồng thẩm định dự án liên ngành do Bộ Công thương chủ trì mới có thông báo kết luận thông qua, đồng thời cho biết, đang tiếp tục chờ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt thực hiện dự án!

Trong chuyến công tác của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Tất Thành Cang mới đây, qua trao đổi, hầu hết doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đều mong mỏi TPHCM sớm có một cơ chế đặc thù để đẩy mạnh phát triển ngành CNHT. Bởi trên thực tế, Chính phủ đã có hàng loạt quyết định về hỗ trợ phát triển ngành CNHT trong nước, nhưng thủ tục qua các sở, ngành lại quá nhiêu khê. “Chúng tôi thấy trong nội dung các quyết định của Chính phủ nêu khá rõ, trong đó có nhiều chính sách cụ thể để hỗ trợ phát triển ngành CNHT. Tuy nhiên, trong công tác triển khai, do các thông tư hướng dẫn từ các bộ, ngành thường chỏi nhau, đã gây khó khăn cho doanh nghiệp khi muốn tiếp cận các chính sách”, Phó Giám đốc sản xuất Xí nghiệp cơ khí ô tô An Lạc (thuộc Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn) nói.

Theo một chuyên gia trong tổ biên tập dự thảo Nghị định về CNHT của Bộ Công thương, dẫu nội dung quyết định nêu khá rõ về giải pháp hỗ trợ, nhưng việc phân cấp, phân nhiệm chưa rõ ràng đã tạo ra cơ chế xin-cho, khiến doanh nghiệp đi lại nhiều lần tốn kém, song nếu “không hiểu chuyện” sẽ khó lọt vào danh sách được hỗ trợ.

Một tín hiệu mới, hy vọng sẽ sớm tháo gỡ những khó khăn này, khi Phó Chủ tịch UBND TPHCM Tất Thành Cang cho biết, với lợi thế riêng của mình, TP đang kiến nghị có chủ trương đặc thù để đẩy nhanh phát triển ngành CNHT, đặc biệt sớm có sản phẩm hỗ trợ chủ lực của TP. Đây cũng là mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và ngành CNHT nói riêng.

LẠC PHONG

- JETRO giúp TPHCM phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

Tin cùng chuyên mục