Khơi thông tín dụng - Doanh nghiệp gặp khó, ngân hàng phải biết “nuôi nợ”

Khơi thông tín dụng - Doanh nghiệp gặp khó, ngân hàng phải biết “nuôi nợ”

Khơi thông tín dụng hỗ trợ tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn là bài toán khó giải. Tại cuộc hội thảo được Học viện Ngân hàng tổ chức hôm qua (7-5) ở Hà Nội, các chuyên gia kinh tế và điều hành chính sách đã gợi mở một số giải pháp tháo gỡ ách tắc này.

  • Nhu cầu vay vốn thấp

Theo Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, mức tăng của tín dụng trong 4 tháng đầu năm mặc dù đã có sự cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với mục tiêu định hướng, chủ yếu do tính quy luật hàng năm, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp ở mức thấp, một số ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh có tính mùa vụ và chưa có nhu cầu vay vốn các tháng đầu năm. Bên cạnh đó, nền kinh tế còn phải đối mặt với nhiều khó khăn nên nhu cầu tín dụng hạn chế và tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, các nhân tố tác động chủ yếu là vấn đề hàng tồn kho của doanh nghiệp, khả năng tiêu thụ sản phẩm, vướng mắc về xử lý tài sản bảo đảm.

Chuyên gia kinh tế, TS Trịnh Quang Anh, Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam, phân tích, vốn huy động từ đầu năm đến nay của hệ thống ngân hàng (NH) vào khoảng 160.000 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 30.000 tỷ đồng góp vào tăng tín dụng; 50.000 tỷ đồng để mua trái phiếu chính phủ; phần còn lại ngoài việc tăng dự trữ, trích lập dự phòng… vẫn đang tồn đọng trong hệ thống NH. Theo tính toán, hiện chi phí lãi suất để ngân hàng huy động vốn bình quân khoảng 8,6%/năm. Trong khi mua trái phiếu ngân hàng chỉ hưởng lợi suất 7,4%/năm, mua tín phiếu lợi suất 4,3%. Nghĩa là đầu tư vốn vào các kênh này NH đang lỗ: “Như vậy có thể thấy NH khó tìm khách hàng để cho vay, bởi nếu cho vay được ít nhất họ hưởng được mức lãi suất 12%/năm”.

Khách hàng giao dịch tại Eximbank. Ảnh: CAO THĂNG

Khách hàng giao dịch tại Eximbank. Ảnh: CAO THĂNG

Lý do dẫn tới nghịch lý NH thừa vốn mà không cho vay ra được là cầu tín dụng đang rất thấp. Theo điều tra của Viện Nghiên cứu ngân hàng, quý 1-2013 tổng cầu nền kinh tế tăng rất thấp, đầu tư của ngân sách giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2012 và so với năm 2011 giảm 9,5%. Lãi suất đóng vai trò rất mờ nhạt đến tăng trưởng tín dụng. Thực tế ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay xuống 12% nhưng rất khó cho vay vì sợ nợ xấu cao. TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực LienVietPostBank cho biết với doanh nghiệp đã không làm ăn được thì dù có lãi suất 0% họ cũng không vay. Bởi vậy, việc giảm mạnh lãi suất không có ý nghĩa nhiều, thậm chí còn có thể khiến các NH rơi vào bẫy thanh khoản.

  • “Nuôi nợ” để gỡ nợ

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn và ngân hàng có thể giải phóng được nguồn vốn đã huy động, cần đẩy mạnh áp dụng hình thức vay tín chấp. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp đã cạn tài sản thế chấp nên chỉ có hình thức tín chấp họ mới vay được vốn. Ông Hiếu đưa ra dẫn chứng với doanh nghiệp nhỏ mới thành lập 3 - 5 năm ở Mỹ, dù lỗ hay lãi vẫn được vay với điều kiện báo cáo tài chính minh bạch được kiểm toán độc lập. Trong khi đó, ở Việt Nam rất ít doanh nghiệp kiểm toán độc lập vì chi phí lớn và phơi bày hết yếu kém: “Nếu cho vay tín chấp doanh nghiệp phải chấp nhận được kiểm toán. Bên cạnh đó, họ phải rõ ràng mục đích sử dụng vốn, có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả”.

Trong khi đó, ông Phạm Xuân Hòe, Vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, cho biết chính sách cho vay tín chấp đã có, vấn đề là các NH quản trị rủi ro thế nào để quyết định cho vay theo hình thức này. Mặt khác, các NH cần quan tâm tới biện pháp “nuôi nợ” thì mới “gỡ được nợ”. Thuật ngữ “nuôi nợ” ở đây có nghĩa là ngân hàng cần xem xét thật kỹ “sức khỏe” khách hàng của mình. Nếu thấy họ vẫn có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh thì tiếp tục bơm vốn, khi doanh nghiệp “sống lại” NH mới có cơ hội thu hồi vốn.

TS Nguyễn Đức Trung, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng khuyến nghị, NHNN cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn vào các lĩnh vực, ngành hàng quan trọng phục vụ sản xuất. Để triển khai hiệu quả, NHNN cần đặt ra mốc thời gian và lộ trình cụ thể để các tổ chức tín dụng chuyển đổi cơ cấu tín dụng tập trung nguồn vốn cho 5 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần triển khai các gói tín dụng đối với các khâu của quá trình sản xuất nhằm bảo đảm nguồn vốn được luân chuyển hiệu quả, giải phóng hàng tồn kho. Cụ thể, tạo chu trình khép kín cho sự tham gia của vốn tín dụng vào chuỗi liên kết sản xuất - thu mua - tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, cần đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng để kích thích lực cầu của nền kinh tế.

Ngân hàng thu lãi 420.000 tỷ đồng nhưng phải trả lãi 408.000 tỷ đồng 

Ngày 7-5, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) đã phản hồi về thông tin cho rằng nền kinh tế trả lãi NH khoảng 480.000 tỷ đồng trong năm 2012. Cơ quan này cho biết, năm 2012 các tổ chức tín dụng đã trả lãi tiền gửi, tiền vay khoảng 408.000 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng thu lãi cho vay từ nền kinh tế khoảng 420.000 tỷ đồng. Ước tính, chênh lệch thu chi toàn ngành NH trong năm 2012 đạt hơn 20.000 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ năm 2008 đến nay, chỉ bằng khoảng 40% mức năm 2011 chủ yếu do chênh lệch lãi suất đầu ra, đầu vào giảm, chi phí dự phòng rủi ro gia tăng, tín dụng tăng trưởng thấp. Vì vậy, nhiều tổ chức tín dụng không chia cổ tức hoặc có tỷ lệ chia cổ tức thấp (dưới 10%).

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục