Chiều 1-11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ.
Cần 2.000 tỷ nhưng chỉ bố trí được 500 tỷ để xử lý cơ sở gây ô nhiễm
Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) và Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (Bến Tre) chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà trong việc chậm trễ trong thực hiện quyết định 1788 của Thủ tướng về xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Theo kế hoạch năm 2015 phải xử lý dứt điểm 229 cơ sở ô nhiễm môi trường và đến năm 2020 là 435 cơ sở. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới đạt được 230 cơ sở, còn 205 cơ sở.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, hiện có gần 500 cơ sở gây ô nhiễm trên toàn quốc, trong đó có những cơ sở từ trước năm 1993. Trong số này Nhà nước chỉ bỏ kinh phí xử lý đơn vị công ích, còn các cơ sở do doanh nghiệp đầu tư sẽ phải tự chịu trách nhiệm, nếu vi phạm ô nhiễm nghiêm trọng thì đóng cửa. Để xử lý số cơ sở ô nhiễm này, theo ông Hà, cần khoảng 2.000 tỷ đồng nhưng đến giờ mới cân đối được 500 tỷ đồng; các tỉnh, thành phải đối ứng 50% vốn trong số này. “Nhưng hiện nhiều địa phương tồn tại cơ sở ô nhiễm không có nguồn thu, chủ yếu dùng ngân sách Nhà nước, nên gặp khó khăn trong xử lý”, Bộ trưởng thừa nhận.
Không ban hành Luật người có công
Trả lời ĐB Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) về vấn đề nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết thời gian qua Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các biện pháp ngăn chặn nợ đọng BHXH; bổ sung tội danh trốn đóng BHXH trong luật hình sự... Tuy nhiên dù triển khai nhiều giải pháp nhưng chưa đạt mong muốn. Hiện Bộ đang tham mưu Chính phủ ban hành nghị định để giải quyết triệt để vấn đề này nhưng đang vướng, trong đó có việc vượt thẩm quyền giải quyết của Chính phủ. Vì thế, chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội.
Về thực hiện chính sách người có công, Bộ trưởng cũng cho rằng, thời gian qua thực hiện chính sách người có công cơ bản nghiêm, nhưng sau 70 năm thực hiện chính sách có hiện tượng trục lợi chính sách, quan điểm của Chính phủ là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trục lợi chính sách. Qua thanh tra, Bộ và các địa phương đã phát hiện định chỉ chính sách với hơn 6.500 trường hợp gồm thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, người tham gia kháng chiến và con đẻ nhiễm chất độc hóa học. Thanh tra đến tháng 8-2018 đã kết thúc thanh tra ở 7 quân khu và Bộ tư lệnh thủ đô toàn bộ hồ sơ lập trong giai đoạn 2015 – 2018 với hơn 66.000 hồ sơ, đình chỉ chính sách 2.281 trường hợp hưởng chính sách không đúng; kiến nghị thu hồi 194,78 tỷ đồng. Bộ và các địa phương đã xử lý về Đảng và hành chính với hàng trăm trường hợp vi phạm chính sách người có công, truy tố 49 vụ, phạt tù 45 người, án treo hơn 100 người. “Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quan điểm không ban hành Luật người có công mà chỉ trình Thường vụ Quốc hội sửa toàn diện Pháp lệnh người có công với cách mạng. Thay vào đó lập đường dây nóng tố giác hành vi vi phạm. Đồng thời tiếp tục thanh tra 320.000 hồ sơ người tham gia kháng chiến và con đẻ chịu ảnh hưởng chất độc hóa học, xử lý nghiêm vi phạm, đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật”, Bộ trưởng nói.
ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) chất vấn các bệnh viện kê thuốc có sai sót, nhất là kê thuốc đắt tiền. Trả lời, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận có tình trạng này, bộ đã có nghiên cứu, có hội thảo. Nhưng những sai sót vẫn còn. Bộ Y tế đã có quy chế kê đơn, 100% bệnh viện đã kết nối với BHXH, nếu kê không đúng thì BHXH không thanh toán. Tới đây Bộ Y tế sẽ kiểm soát chặt hơn quy chế kê đơn, cùng với đó điện tử hóa tất cả các đơn thuốc; BHXH không thanh toán nếu kê sai; xử nghiêm những bác sĩ kê thuốc sai. “Trách nhiệm của tôi là người đứng đầu ngành y tế sẽ làm nghiêm hơn việc này, những ai vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh”, Bộ trưởng cho biết.
Trả lời ĐB Nguyễn Văn Dành (Bình Dương) về giải pháp quản lý thị trường vàng và huy động vàng trong dân, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết Chính phủ nhất quán trong việc giữ ổn định vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh để người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh; củng cố niềm tin người dân gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng thay vì nắm giữ vàng, ngoại tệ. Nhờ đó, lượng tiền gửi VND khu vực dân cư tăng mạnh 3 năm qua, tiền gửi ngoại tệ giảm. Nguồn lực ngoại tệ đã chuyển hoá sang đồng Việt Nam, minh chứng là dự trữ ngoại hối tăng mạnh và một phần trong số này đến từ việc chuyển hoá ngoại tệ từ nguồn lực trong dân. Nhiều năm trở lại đây Việt Nam đã không tốn ngoại tệ nhập khẩu vàng, thị trường vàng ổn định và không gây bất ổn vĩ mô, bảo đảm nhu cầu trữ vàng của dân. Điều này cho thấy những bước đi của Ngân hàng Nhà nước là đúng hướng, thời gian tới ngân hành sẽ kiên định thực hiện các giải pháp này. |