Hôm qua (3-11), Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về các dự án luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) và Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Dự luật BHTG được nhiều ĐB quan tâm nhất, đặc biệt xung quanh việc có nên BHTG đối với người gửi bằng ngoại tệ, vàng cũng như vị trí của tổ chức BHTG.
Có thể đe dọa hệ thống ngân hàng
Theo dự luật, BHTG sẽ không bảo hiểm đối với người gửi ngoại tệ và kim loại quý. Tuy nhiên, quan điểm của Chính phủ cũng đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) băn khoăn: “Có thời điểm tôi đồng ý với quy định này nhưng có thời điểm lại không”. Lý do, theo ĐB Trần Hoàng Ngân là chúng ta đang muốn chống đô la hóa, không muốn người gửi tín dụng bằng đô la, vàng và phải bán cho ngân hàng nhưng điều hành kinh tế hiện nay lại đang làm đồng tiền Việt Nam mất giá, niềm tin của người gửi tiền chuyển từ USD sang đồng Việt Nam khó.
“Một nghiên cứu của tôi cho thấy lượng dự trữ USD trong dân cư chiếm trên 10 tỷ USD. Nếu chúng ta không bảo hiểm sẽ có thể khiến người dân rút USD đang gửi ngân hàng. Theo tôi, trong dự luật BHTG nên bảo hiểm cả USD một thời gian nữa, sau đó chúng ta sửa đổi, bổ sung luật sau khi lạm phát được kiềm chế. Mặt khác, nếu không BHTG với đồng USD có thể đe dọa hệ thống ngân hàng”, ĐB Ngân nói.
Cũng theo ĐB Ngân, hàng năm chúng ta đều nhập siêu và lượng kiều hối gửi về Việt Nam không chỉ là gửi cho người thân mà còn gửi vào tài khoản ngân hàng và chính khoản thâm hụt do nhập siêu cũng được bù đắp do khoản ngoại tệ này. Do đó cũng nên xem xét BHTG với trường hợp gửi bằng ngoại tệ.
ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cũng cho rằng cần có lộ trình trong việc không BHTG đối với người gửi ngân hàng bằng ngoại tệ, vàng bởi nếu không sẽ tạo rủi ro cho người dân khi gửi những tài sản này.
ĐBQH Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nhận định: “Quy định như dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi sẽ khó huy động được nguồn lực trong dân. Người dân sẽ có xu hướng cất tiền vào két”.
Trong điều kiện hiện nay, theo ĐB Phạm Quang Nghị, khi vẫn chưa thể triệt để chống đô la hóa thì nên cho phép bảo hiểm đối với mọi đồng tiền, nhưng thu phí khác nhau.
Ông Nghị cũng cho rằng, mức bảo hiểm tối đa 50 triệu đồng là thấp, không khuyến khích người dân gửi những khoản tiền lớn vào ngân hàng. Nên quy định mức bảo hiểm theo tỷ lệ% tính trên số tiền gửi thì hợp lý hơn.
Một vấn đề quan trọng khác được nhiều ĐB quan tâm là vị trí của tổ chức BHTG. Theo đó, có thể xem xét BHTG nằm trong Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vì NHNN sẽ hỗ trợ cho tổ chức này nếu có vấn đề gì xảy ra. Tuy nhiên, các ĐB Trần Du Lịch, Nguyễn Ngọc Hòa, Huỳnh Ngọc Ánh (TPHCM) đều đồng ý với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế là tổ chức BHTG nên theo mô hình do Thủ tướng thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ còn quản lý nhà nước là do NHNN bởi nếu thuộc NHNN thì không cần thiết phải ban hành Luật BHTG. Điều này sẽ tăng vị thế độc lập của tổ chức BHTG.
Vi phạm về hành chính, có thể phạt 2 tỷ đồng
Chiều cùng ngày, Quốc hội đã nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra về 4 dự án luật: Luật Quảng cáo, Luật Giá, Luật Giám định tư pháp và Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Giá đã quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giá, cơ chế quản lý giá và hoạt động điều tiết giá của Nhà nước. Báo cáo thẩm tra của UB Tài chính Ngân sách về dự án luật này nêu vấn đề: với tính chất là đạo luật bao quát những nội dung liên quan tới giá thì giá trong xây dựng cơ bản, giá trong đấu thầu, bán đấu giá, định giá đất, xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, sáp nhập, hợp nhất có thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này không? Nếu không thì dự thảo luật cần có quy định dẫn chiếu để đảm bảo tính chặt chẽ, thuận lợi khi áp dụng luật.
Liên quan đến dự án Luật Quảng cáo, theo cơ quan thẩm tra, luật cần quy định rõ hơn nữa trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo đối với sản phẩm quảng cáo cũng như cụ thể hóa trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại. “Trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay có nhiều quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng tiêu cực mà người tiếp nhận quảng cáo không biết khiếu nại đến ai”, báo cáo thẩm tra viết.
Qua thẩm tra về nội dung giao cho tòa án thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính trong dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu quan điểm lựa chọn phương án giao cho Tòa án nhân dân quyết định các biện pháp xử lý hành chính (phương án 2 được cơ quan soạn thảo đưa ra xin ý kiến là giao thẩm quyền này cho cơ quan hành chính).
Về mức phạt tiền tối đa (theo dự luật có thể lên tới 2 tỷ đồng), tuy tán thành quan điểm tăng mức phạt tiền để đảm bảo tính răn đe, phù hợp với thực tiễn, song Ủy ban Pháp luật yêu cầu cân nhắc lại mức phạt hợp lý, đảm bảo sự tương thích với Bộ luật Hình sự; đồng thời nhấn mạnh các giải pháp khác về kinh tế - xã hội; tuyên truyền, giáo dục pháp luật…
N.Quang - B.Vân
Không hạn chế báo chí đấu tranh chống tiêu cực Điều 48, tiết 1 trong dự thảo Luật Tố cáo với nội dung “Cơ quan thông tin, báo chí nhận được tố cáo phải chuyển cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền(…)”, tiếp tục là vấn đề được nhiều phóng viên đặt ra với các đại biểu Quốc hội bên lề phiên họp chiều 3-11. Phóng viên Báo SGGP ghi lại quan điểm của một số ĐBQH về vấn đề này.
Điều 48 trong dự thảo Luật Tố cáo đã xung đột với Luật Báo chí và tôi đã có ý kiến đề nghị sửa đổi quy định này. Tôi sẽ kiên trì bảo vệ quan điểm của mình. Hoạt động của cơ quan báo chí nói chung và đơn tố cáo gửi tới cơ quan báo chí nói riêng là do Luật Báo chí điều chỉnh. Mặt khác, việc gửi đơn tố cáo đến cơ quan báo chí có mục đích để báo chí biết sự việc, vào cuộc và thông tin về sự việc này trên báo chí, giám sát tiến trình xử lý vụ việc chứ không phải nhằm mục đích giải quyết sự việc… Luật Tố cáo đang trong quá trình soạn thảo nên cần điều chỉnh sớm để không ảnh hưởng đến Luật Báo chí hiện hành, cũng như tránh hạn chế quyền hoạt động đúng pháp luật của báo chí.
Luật Báo chí đã quy định rõ báo chí có quyền đưa tin và chịu trách nhiệm về nguồn tin của mình. Nếu không chính xác thì phóng viên, tổng biên tập báo đã đưa tin đó phải chịu trách nhiệm. Mặt khác, khi người tố cáo gửi đơn đến cơ quan báo chí thì bao giờ họ cũng gửi cho cơ quan tiến hành tố tụng, không lý gì phải lo cơ quan tố tụng không có thông tin. Tôi cho đấy là động tác thừa. Trong hệ thống chính trị của chúng ta hiện nay, mỗi cơ quan có chức năng riêng. Bắt buộc báo chí phải cung cấp đơn thư tố cáo đó cho cơ quan chức năng thì vô hình trung đã biến cơ quan báo chí thành “cấp dưới” của cơ quan tố tụng. Báo chí cũng không phải là cơ quan chuyển đơn hay cơ quan dân nguyện… Ngoài ra, nếu cơ quan tổ chức bị tố cáo lại chính là cơ quan tiến hành tố tụng thì công tác điều tra sẽ tiến hành theo hướng nào? Rõ ràng là không có lợi. Thực tế vừa qua cho thấy, hầu hết những tác phẩm báo chí có giá trị, đạt giải cao đều là phóng sự điều tra, nay nếu cắt đi quyền điều tra độc lập của báo chí là làm mất đi linh hồn của báo chí. Vừa qua chính báo chí đã phanh phui nhiều sự việc tiêu cực, góp phần làm lành mạnh hóa xã hội. Anh Phương ghi |