Như thường lệ, khi giá xăng dầu tăng, hầu hết các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều công bố tăng giá hàng hóa và dịch vụ của mình. Lý do họ viện dẫn vẫn là muôn thuở: Giá xăng dầu tăng đẩy giá nhiên liệu và nguyên liệu đầu vào tăng, làm cho giá thành tăng theo, cho nên buộc phải tăng giá hàng hóa và dịch vụ. Lý do họ diễn giải là không sai bởi đó là tất yếu của bài toán kinh tế cho mọi doanh nghiệp. Hệ quả là gần như đồng loạt giá các loại hàng hóa và dịch vụ đều tăng - ít thì 5% nhiều thì đến 30% và hình thành một mặt bằng giá mới cao hơn mặt bằng giá cũ.
Giá cả hàng hóa tăng, hàng hóa không bán được hoặc bán rất chậm không thể quay vòng vốn để tái sản xuất mở rộng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng giảm phát cho nền kinh tế trong thời gian gần đây.
Theo suy luận logic, nếu khi giá xăng dầu tăng làm cho giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng theo thì khi giá xăng dầu giảm, giá cả hàng hóa cũng phải giảm tương ứng, thậm chí phải trở về vị trí xuất phát ban đầu khi xăng dầu chưa tăng giá. Nhưng trên thực tế, một nghịch lý đã xảy ra: Thời gian gần đây, giá xăng dầu đã giảm nhiều lần, nhưng giá cả nhiều loại hàng hóa và dịch vụ vẫn không giảm. Theo ghi nhận của chúng tôi, mới đây nhất chỉ có một số doanh nghiệp dịch vụ vận tải hàng hóa - loại doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp của biến động giá xăng dầu - là công bố giảm giá cước vận tải.
Một số doanh nghiệp vận tải khác chưa chịu giảm giá vì cho rằng giá xăng dầu giảm chưa tới 1.000 đồng/lít nên chưa đủ mức giảm giá cước 4% theo hợp đồng vận tải đã ký! Điều đáng nói là các doanh nghiệp đã giảm giá (tức là họ đã phải giảm một phần lợi nhuận) cũng chẳng được biểu dương khen thưởng, còn các doanh nghiệp không giảm giá (tức là họ vẫn hưởng lợi lớn do giá xăng dầu giảm) lại chẳng ai làm gì được họ. Ở đây đã xảy ra sự bất bình đẳng rất lớn trong sản xuất kinh doanh ở nước ta hiện nay, gây thiệt thòi và làm cản trở khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Tại sao khi xăng dầu giảm giá liên tục, các loại hàng hóa và dịch vụ không đồng loạt giảm giá tương ứng? Điều gì uẩn khúc đằng sau vấn đề trên?
Trước hết, nền kinh tế nước ta chưa có một định chế và chuẩn mực cho việc xây dựng hệ thống giá cả hàng hóa. Hay nói đúng hơn, chúng ta đang thả nổi giá cả thị trường. Trên danh nghĩa, nhà nước đang quản lý (định giá, cho tăng hoặc giảm) một số mặt hàng thiết yếu chiến lược, nhưng trên thực tế việc quản lý giá đó vẫn trong cơ chế “xin - cho” chứ chưa phải dựa trên cơ sở khoa học chặt chẽ. Đành rằng trong một nền kinh tế thị trường, giá cả hàng hóa được hình thành trên cơ sở quy luật giá trị và quy luật cung cầu là chính, song việc xây dựng chuẩn mực cho một hệ thống giá cả hàng hóa là hoàn toàn có thể làm và cần phải làm.
Trên cơ sở hệ thống đó, các doanh nghiệp đưa vào bài toán kinh tế của mình để định ra một mức giá vừa đảm bảo bù đắp chi phí vừa có lợi nhuận một cách hợp lý - chứ không phải lợi nhuận siêu ngạch do tự tiện đẩy giá lên.
Mặt khác, khi đã có một hệ thống cơ sở định giá hàng hóa, được pháp chế hóa bằng những văn bản luật và dưới luật, các doanh nghiệp buộc phải tuân thủ đúng các quy định đó. Đây là những căn cứ pháp lý để các cơ quan chức năng có thể kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các doanh nghiệp trong việc thực hiện những định chế đó.
Những hiện tượng trên đây là những thực tế sinh động rất cần được nghiên cứu nghiêm túc khi chúng ta xây dựng hệ thống luật pháp về giá trong thời gian tới.
PHAN LỘC