Những ngày đầu tháng 7 này, trong khi các đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên - Môi trường đang hoàn thiện báo cáo đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn cả nước thì người dân thôn Trung Sơn (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) lại phải làm một việc chẳng đặng đừng: tập trung khuân đất, đá, cát cho vào bao để… lấp cống thủy lợi! Nguyên nhân do nước thải từ KCN Hòa Khánh đổ ra cống gây thiệt hại nặng nề cho lúa, hoa màu của người nông dân trong khu vực.
Theo trần tình của người dân, ngay từ năm 2004, khi KCN Hòa Khánh đi vào hoạt động cũng là lúc họ bắt đầu “sống dở chết dở” với dòng nước thải của KCN này. Không qua xử lý, nước thải chảy trực tiếp qua thôn Trung Sơn rồi ra sông Cu Đê trước khi ra biển. Năm 2005, người dân nơi đây cũng như UBND xã Hòa Liên đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền, ban ngành liên quan nhưng chỉ được “hỗ trợ thiệt hại” 60% tính theo năng suất bình quân lúa thu hoạch/năm cho người dân. Cho đến nay, câu chuyện nước thải gây ô nhiễm chảy ra từ KCN vẫn chưa có hồi kết thỏa đáng.
Vậy là một giải pháp tạm thời mặc nhiên trở thành giải pháp lâu dài! Còn nhớ, chỉ cách đây khoảng 2 tháng, người dân xung quanh KCN Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) đã phải hè nhau đi lấp đường nước thải của KCN này vì “nói mãi chẳng ai nghe”. Kết quả kiểm tra sau đó của cơ quan chức năng cho thấy KCN Quang Minh thực sự có vi phạm trong việc vận hành hệ thống xử lý nước thải, nói nôm na là trốn tránh trách nhiệm xử lý nước thải (với chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng một tháng). Kịch bản quá cũ của Vedan vẫn cứ được tái diễn ở nhiều nơi dưới hình thức này hay hình thức khác!
Không thể phủ nhận việc hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường thời gian qua đã được bổ sung, chỉnh lý ngày càng hoàn thiện hơn. Đến thời điểm này, có ít nhất là 20 văn bản liên quan đến quản lý môi trường các KCN đã được ban hành. Có hiệu lực cao nhất là Luật Bảo vệ môi trường 2005, tiếp đến là hàng chục nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, quy hoạch, chiến lược quốc gia… đều có liên quan đến quản lý môi trường KCN.
Tiếc thay, theo các chuyên gia Tổng cục Môi trường, hầu hết các văn bản này đều chú trọng vào các vấn đề cải thiện môi trường đầu tư mà chưa quan tâm đúng mức tới thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về môi trường. Trên thực tế, nhiều địa phương ủy quyền một phần chức năng quản lý môi trường KCN từ Sở Tài nguyên - Môi trường cho ban quản lý các KCN, trong khi nhìn chung đa số các ban quản lý chưa đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ này. Trong nhiều trường hợp, ban quản lý các KCN, thậm chí cả chính quyền địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức, nương nhẹ khi xử phạt hoặc nhân nhượng, chấp nhận giải pháp “hỗ trợ thiệt hại” như đã nêu trên, dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp vi phạm kéo dài.
Cứ như hiện nay, xem ra mục tiêu năm 2010 (sau khi được điều chỉnh giảm từ 100% xuống còn 70% số KCN, KCX có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường) cũng vẫn còn là quá xa vời!
Anh Thư