Không chỉ một ngày!

Những năm gần đây, có một ngày được giới truyền thông không quên nhắc tới là “Ngày gia đình Việt Nam”. Cùng với việc tôn vinh “Ngày gia đình Việt Nam”, người ta cũng xới lên bao vấn đề đang diễn ra trong gia đình hiện đại. Mục đích của Ngày gia đình Việt Nam theo Quyết định 72/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là khuyến khích toàn xã hội, các ban ngành, đoàn thể quan tâm tới gia đình. Ngày gia đình cũng là dịp đoàn tụ các thành viên trong gia đình, mọi người học hỏi những kinh nghiệm sống hạnh phúc, nuôi dạy con tốt.

Khi nói về gia đình - tế bào của xã hội - không phải ngẫu nhiên người ta thường gắn liền với một mái ấm - “mái ấm gia đình”. Đấy phải là nơi con người tìm được sự bình yên sau bao nỗ lực, phấn đấu, lao động miệt mài vất vả, nơi tràn đầy tình yêu thương, dạy cho chúng ta những gì tốt đẹp nhất. Một đứa trẻ không được lớn lên trong môi trường gia đình tốt sẽ thật khó hoàn thiện nhân cách của mình.

Chất keo để gắn kết gia đình là gì nếu không phải là sự tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, là sự thủy chung, trách nhiệm và ân nghĩa của bậc làm cha mẹ, là đức hiếu kính nhường nhịn của phận con cháu? Thực tế cho thấy, trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc.

Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, hiếu nghĩa, hiếu học, thủy chung, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, cần cù và sáng tạo trong lao động, bất khuất kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách đã được gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Qua các thời kỳ, cấu trúc và quan hệ trong gia đình có thay đổi, nhưng những chức năng cơ bản của gia đình vẫn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và giáo dục của đất nước.

Nhưng thực tế cũng chỉ ra rất rõ những mảng tối nhức nhối trong bức tranh chung toàn cảnh gia đình Việt Nam này nay: nạn bạo hành gia đình, tình trạng ly hôn đang có chiều hướng gia tăng, hạnh phúc gia đình rạn nứt… Bao câu hỏi xoáy lòng không chỉ những người từng tan vỡ: Vì sao lúc khó khăn, thiếu thốn, gia đình hạnh phúc ấm êm mà nay kinh tế khá giả thì không khí gia đình lại trở nên lạnh lẽo? Đã có những thay đổi các giá trị, chuẩn mực của gia đình, từ đó kéo theo sự thay đổi mối quan hệ huyết thống ông bà - cha mẹ - con cháu trong gia đình cũng như vai trò của mỗi thành viên trong gia đình.

Cùng với những biểu hiện xuống cấp về các giá trị hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên nhường dưới, nhiều tệ nạn xã hội, nạn dịch HIV/AIDS đã và đang thâm nhập vào các gia đình, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên. Trong cuộc sống hiện đại, khoảng cách giữa cha mẹ và con cái đang ngày càng rộng ra, sâu hơn; câu chuyện các ông bố bà mẹ hầu như không có thời gian nhìn ngó, chăm sóc con cái vì phải lo kiếm tiền, lo làm ăn đã trở thành câu chuyện chung của nhiều gia đình trong các đô thị.

Kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới cho thấy, sự tăng trưởng nhanh về kinh tế nhưng không chú ý phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội sẽ dẫn đến những khủng hoảng và đổ vỡ các quan hệ gia đình. Sự thay đổi về điều kiện làm việc và sinh hoạt của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng là nguyên nhân làm ảnh hưởng tới cấu trúc và sự ổn định của các gia đình ở nhiều nơi. Để khắc phục tình trạng trên, nhiều nước đã hình thành các cơ quan quản lý nhà nước phụ trách vấn đề gia đình với các chính sách và sự đầu tư thỏa đáng giúp cho gia đình có đủ năng lực thực hiện các chức năng của mình và thích nghi được với những biến đổi của kinh tế - xã hội.

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng tạo ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt các gia đình Việt Nam - một thiết chế lâu đời và bền vững nhưng cũng rất nhạy cảm với mọi sự biến đổi của xã hội - trước nhiều khó khăn, thách thức. Mặt trái của cơ chế thị trường và lối sống thực dụng sẽ tiếp tục tác động mạnh tới các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp và lối sống lành mạnh. Sự phân hóa giàu nghèo sẽ tiếp tục tác động vào số đông các gia đình. Nếu không được hỗ trợ, không được chuẩn bị đầy đủ, nhiều gia đình sẽ không đủ năng lực đối phó với những thay đổi nhanh chóng về kinh tế - xã hội và không làm tròn các chức năng vốn có của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã được Đảng và Nhà nước quán triệt trong nghị quyết của các kỳ đại hội Đảng và trong các bộ luật liên quan, với các nội dung hướng tới việc củng cố vị trí, vai trò và chức năng của gia đình trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Đầu tư cho gia đình là đầu tư cho sự phát triển bền vững! Để phát huy những yếu tố tích cực, chủ động tránh những tác động tiêu cực đối với gia đình trong tương lai, cùng với các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước, rất cần sự nỗ lực của toàn xã hội, mỗi cá nhân. Không chỉ một ngày gia đình, mà tất cả mọi ngày, mỗi người đều cố gắng để xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc, góp phần xây dựng xã hội, cộng đồng hạnh phúc.

PGS-TS Nguyễn Thế Nghĩa

Tin cùng chuyên mục