Sự bắt tay hợp tác giữa 5 bệnh viện lớn của trung ương vừa qua về việc kiên quyết nói không với tình trạng lót tay phong bì cho bác sĩ đã hâm nóng lại câu chuyện y đức. Dư luận không mấy hân hoan sự hợp tác trên bởi họ hiểu rằng tình trạng ấy đã thành “lệ làng” và bây giờ có chấn chỉnh cũng thế thôi.
Sự thực là giữa bác sĩ và người bệnh đã tự hiểu ngầm với nhau rồi, có ai nhận và đưa phong bì mà tự khai ra bao giờ nếu không bị các cơ quan chức năng sờ tới. Câu chuyện “phong bì” trong giới y bác sĩ không còn là mới mẻ nữa, có chăng bây giờ được chuyển đổi qua các hình thức khác nhau, như phong bì đưa tay có thể hiện đại hóa bằng ATM, bằng hiện vật.
Chẳng mấy ai lạ gì tình cảnh của người bệnh, luôn muốn được chăm sóc tốt, được ưu ái và nhẹ nhàng. Vậy nên có chuyện con gái đi đẻ mà mẹ chồng thủ sẵn trong túi áo cả xấp tiền giấy tờ 20.000 đồng. Khi được hỏi thì bà ta thản nhiên rằng để mỗi lần cô hộ lý tắm cho bé sẽ gửi một tờ để cho thêm phần sạch sẽ.
Hay như chuyện muốn tiêm ít đau mà người viết đã từng chứng kiến. Lúc vô bệnh viện, bệnh nhân bị cô y tá tiêm cho mấy lần đau quá. Sau khi nghe “bí quyết” và thực hiện “phong bì” thì cô y tá nhẹ tay hẳn. Quả là chẳng vui gì khi nói ra những câu chuyện có thật này, nhưng để thấy rằng “văn hóa” phong bì đã ăn sâu vào một bộ phận ngành y tế đã thành rễ chùm, rễ cọc. Nay, với sự hô hào bật cái gốc rễ ấy lên thì không phải ngày một ngày hai.
Ở đây, cốt lõi không phải là cái “phong bì” mà cái chính là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người. Lời thề y đức Hippocrates chẳng phải y bác sĩ được đọc qua sao? Nhưng, cuộc sống bao bon chen, họ không vượt qua nổi. Và nói cho cùng thì chính người bệnh cũng góp phần làm lung lay y đức. Có nghĩa, sự tương tác giữa hai bên để tự tạo ra một thông lệ đi ngược lại văn hóa và đạo đức xã hội. Dù rằng có thể sự cho - nhận tự nguyện. Vậy liệu với sự đồng thuận của 5 bệnh viện điển hình mà Bộ Y tế vừa công bố trên có chấm dứt được thông lệ kia chăng?
Với đồng lương ít ỏi, phụ cấp thấp nhưng phải thức đêm, trực ca, không ít y bác sĩ cảm thấy họ thiệt thòi trong khi công việc quá áp lực. Hãy xem lại chế độ, chính sách đã ngộ cho họ đã tương xứng hay chưa. Một y tá, điều dưỡng, nữ hộ sinh mới ra trường hiện nay về công tác tại một bệnh viện hạng 1 cũng chưa tới 3 triệu đồng thu nhập/tháng. Sự thực là còn thấp hơn công nhân của nhiều công ty may mặc hiện nay đóng trên địa bàn TPHCM.
Vậy thì có phải đã thiệt thòi quá chăng và chuyện “phong bì” được xem như một cứu tinh. Trong môi trường nhạy cảm như cơ sở khám chữa bệnh, nếu không đảm bảo được cuộc sống bao bộn bề cơm áo gạo tiền thì thật khó cho “lương y thành từ mẫu”. Cùng với đó, xã hội nên có những quỹ cộng đồng hỗ trợ đội ngũ y - bác sĩ, góp phần chăm lo thêm đời sống cho họ.
Một khi đã có những cơ chế ấy mà tình trạng “phong bì” vẫn tiếp diễn thì trách nhiệm phải thuộc về người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh, đó là thiếu giám sát, thiếu nhắc nhở và biện pháp răn đe.
Hơn nữa, chính người bệnh phải ý thức được rằng hành vi đưa phong bì không nằm ngoài hình thức hối lộ và pháp luật phải điều chỉnh. Đồng thời, nó sẽ tạo ra một sự mất công bằng giữa những người bệnh, tạo ra sự mất niềm tin trong giới y bác sĩ và xã hội. Vì vậy, không phải bệnh viện nói không với phong bì mà người bệnh cũng phải biết nói điều đó
QUỲNH CHI