Quen giúp người nghèo
“Chú Triệu ơi, ở phường có đứa nhỏ bị tai nạn giao thông tử vong, mà gia đình khó khăn quá, con đang kêu gọi mỗi người một ít đặng lo tang cho cháu. Chú phụ họ một ít nghen”.
Nghe anh Lê Ngọc Thi (Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Trường Thạnh, quận 9) nói vậy, ông Trần Văn Triệu (66 tuổi, ngụ Khu phố Ích Thạnh, phường Trường Thạnh) vội lăn xe đi thăm và giúp 1 triệu đồng để thêm vào lo hậu sự cho cháu nhỏ.
“Chú Triệu là vậy, dù là người khuyết tật nhưng chú không sống cho riêng mình. Vợ chồng chú mới chuyển về đây sinh sống chừng 3 năm nay nhưng có người khó khăn, kêu đến chú là được chú tận tình hỗ trợ”, anh Thi cho biết thêm.
“Còn đôi tay là còn làm nên của cải”, với suy nghĩ ấy cùng nghị lực của người đàn ông vốn chăm chỉ, cần cù, ông ngừng chữa bệnh, chấp nhận ngồi xe lăn để mưu sinh, cùng vợ nuôi con ăn học. Không chỉ vượt qua khó khăn của bản thân để vực lại kinh tế gia đình, nuôi 3 người con ăn học thành đạt, ông Triệu còn hết mình vì người xung quanh, nhất là những gia đình nghèo khó.
Ông Triệu tâm sự, cả cuộc đời ông đã trải qua những ngày tháng cơ cực nhất, nghèo khó nhất nên rất hiểu người nghèo. Vì vậy ông luôn tâm niệm, giúp được gì cho người nghèo là giúp hết mình, có sức giúp sức, có tiền giúp tiền.
Ngày còn thanh niên, không có tiền bạc nhưng bà con chòm xóm có việc, ông có mặt từ sáng sớm để phụ. Sau này kinh tế khấm khá hơn, ông lại dành toàn bộ số tiền hàng tháng Nhà nước trợ cấp người khuyết tật và tiền các con biếu dưỡng già để làm quỹ giúp người nghèo.
Cũng chẳng ai như ông Triệu, về nơi ở mới, còn bao bỡ ngỡ nhưng chuyện ông làm đầu tiên là liên hệ cán bộ địa phương để “xin” được giúp đỡ những gia đình khó khăn trong phường.
Đều đặn chủ nhật tuần thứ 3 mỗi tháng, vợ chồng ông chuẩn bị 33 phần quà là nhu yếu phẩm rồi đem tặng người già neo đơn và các gia đình khó khăn trong phường.
Ngoài tặng nhu yếu phẩm, ông Triệu còn thường xuyên tặng học bổng, bảo hiểm y tế cho học trò nghèo để động viên các cháu phấn đấu học tập, thay đổi cuộc sống từ kiến thức.
Tấm lòng đẹp như tranh
Cơ sở tranh giấy xoắn Alice (tại phường 4 quận 4, TPHCM) lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười nói và là nơi hàng chục người khuyết tật gửi gắm ước mơ vào những bức tranh.
Chủ cơ sở là chị Trần Thụy Thúy Vi, 40 tuổi (ngụ quận Tân Phú). Bản thân chị Vi không vẹn toàn khi đôi chân bị teo cơ sau cơn sốt bại liệt năm lên 3 tuổi. Sống giữa bạn bè trang lứa cùng chung cảnh ngộ tại một trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, chị không mấy để ý đến sự khiếm khuyết ấy.
Mãi sau này, chị mới cảm nhận được thiệt thòi của bản thân. Không oán trách, không đầu hàng số phận, ngay khi nhận thức được những khiếm khuyết của mình, chị đã xác định bản thân phải tự vươn lên để không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Sau 2 năm tìm hiểu và thực hành thuần thục, chị Vi đưa tranh ra thị trường nhiều mẫu tranh lạ mắt, cùng nhiều sản phẩm lưu niệm độc đáo. Nhận được phản hồi tích cực từ mọi người, chị mạnh dạn mở cơ sở sản xuất tranh giấy xoắn, vừa gia công cho các doanh nghiệp xuất khẩu, vừa tự thiết kế sản phẩm trưng bày và bán trong nước để tạo việc làm cho những người khuyết tật khác.
“Nhiều người nghĩ người khuyết tật là gánh nặng cho gia đình và xã hội, tôi muốn chứng minh suy nghĩ ấy là sai lầm, chúng tôi sống lạc quan, tự lập và đôi khi còn là chỗ dựa cho cả những người lành lặn”, chị Vi trải lòng.
Chị Lý Xuân Thắm, 32 tuổi (quê Cần Thơ) gia nhập Cơ sở tranh giấy khuyết tật Alice của chị Vi hơn 2 năm nay cho biết: “Nhờ có chị Vi mà tôi có được môi trường làm việc tốt với khoản thu nhập ổn định, được hỗ trợ chỗ ăn, chỗ ở đàng hoàng. Hơn 2 năm nay, tôi không chỉ tự lo được cho bản thân mà còn gửi tiền về phụ cha mẹ già ở quê”.
Ngoài được dạy nghề, được làm việc và được trả công, chị Thắm còn học được sự lạc quan, tự tin vào bản thân và luôn yêu cuộc sống, bởi nguồn cảm hứng từ chị Vi lan tỏa.
Suốt 6 năm qua, cơ sở tranh giấy của chị Vi đã hỗ trợ việc làm cho hàng chục người, chủ yếu là người khuyết tật. Để tạo điều kiện việc làm cho những người cùng cảnh ngộ, chị Vi còn liên hệ với các trung tâm khuyết tật trên địa bàn TPHCM nhận dạy nghề miễn phí, cũng như mang lại cơ hội làm việc trong môi trường luôn ngập tràn yêu thương ở Alice.