Không có chính sách tốt, mất ngay lao động giỏi

“Trong bối cảnh hội nhập, nếu các doanh nghiệp không có chính sách tốt thì sẽ mất người lao động giỏi ngay lập tức”, ông Lê Bá Thông, Tổng Giám đốc Công ty TTT, chia sẻ với 400 doanh nghiệp tại tọa đàm “Integrated Mindset - Tư duy giao thoa” về tư duy mở rộng cơ hội kinh doanh trước làn sóng hội nhập AEC và TPP vừa được tổ chức tại TPHCM.

Để giữ chân được lao động giỏi, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp cần tạo dựng văn hóa doanh nghiệp gắn bó, cùng chia sẻ, cùng phấn đấu vì mục tiêu chung. Sự gắn kết của người lao động với nhau và gắn kết giữa người lao động với chủ doanh nghiệp đặc biệt ý nghĩa, chính điều đó sẽ bù đắp cho sự yếu kém trong quản trị doanh nghiệp và các vấn đề về lương bổng. Thậm chí, sếp giữ nhân viên không bằng đồng nghiệp giữ nhau, nên việc tạo dựng văn hóa doanh nghiệp, làm sao biến doanh nghiệp thành gia đình thứ hai của người lao động để người lao động yên tâm gắn bó là rất quan trọng.

Khảo sát lương tại các doanh nghiệp cho thấy, trong cuộc chiến giữ nhân tài, các doanh nghiệp đang ngày càng quan tâm định vị mình, xem mình như thế nào so với thị trường lao động và mình như thế nào so với đối thủ. Với nhóm lao động cấp cao, giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài, mức chênh lệch lương lên đến 30% - 40%. Trong khi với lao động bình thường, mức tiền lương doanh nghiệp Việt Nam trả cho người lao động khá tương đồng với doanh nghiệp nước ngoài. Bà Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc Talentnet, nhận xét rằng tình trạng trên cho thấy, doanh nghiệp trong nước còn cào bằng trong việc trả lương, chưa trả đúng trách nhiệm, vai trò, đóng góp của người lao động. Cùng với lương, theo bà Tiêu Yến Trinh, giữ được chân lao động giỏi còn phụ thuộc vào chính sách phúc lợi, thưởng, cơ hội thăng tiến, đồng nghiệp… Giữa hai yếu tố “thu hút” và “giữ chân” thì các chính sách thu hút chỉ chiếm vai trò 20% trong việc có được người lao động giỏi, còn lại quyết định là các chính sách giữ chân nhân tài.

Một vấn đề các chuyên gia quan tâm là năng suất lao động của Việt Nam hiện nay quá thấp so với các nước trong khu vực. Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng năng suất lao động thấp không hẳn lỗi do người lao động. “Đừng có đổ lỗi cho người lao động, mà các doanh nghiệp cần thẳng thắn nhìn nhận đến các nguyên nhân khác, trong đó có vấn đề công nghệ, quản trị, đào tạo nghề…”, ông Đỗ Mạnh Hùng phân tích. Theo ông Edward Foong, đại diện Viện Nghiên cứu quản trị nguồn nhân lực Singapore (SHRI), để cải thiện năng suất lao động và tăng sự tự tin của người lao động, của doanh nghiệp khi hội nhập thì sự hỗ trợ phát triển cá nhân của quốc gia là rất quan trọng. Ông Edward Foong dẫn chứng, Chính phủ Singapore đã tặng mỗi người dân một khoản tiền để đi học hỏi bất kỳ chương trình nào trong 2.000 chương trình phát triển kỹ năng. Đây là một trong các chính sách đã giúp cho Singapore từ một nước không có tài nguyên thiên nhiên, chỉ có tài nguyên con người, đã gặt hái được thành công. Ông Edward Foong chỉ ra thiếu sót duy nhất của người lao động Việt Nam là tiếng Anh và khuyên các bạn trẻ nên trau dồi ngoại ngữ để hội nhập tốt.

Mạnh Hòa

Tin cùng chuyên mục