Không có HĐND ở 177 phường, Hà Nội muốn thêm nhiều cơ chế đặc thù

Cùng với việc đề xuất thí điểm không tổ chức HĐND phường, Bộ Nội vụ cũng đề xuất thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Hà Nội về kinh tế, quản lý đất đai, đầu tư, tài chính, ngân sách nhà nước, quy hoạch đô thị, xây dựng,...

Bộ Nội vụ đề xuất thực hiện thí điểm việc không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) tại 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây của TP Hà Nội. Mục tiêu thực hiện thí điểm nhằm từng bước đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách, đổi mới chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn tại TP Hà Nội.

177 phường ở Hà Nội không còn HĐND

Theo dự thảo, Bộ Nội vụ đề xuất thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND tại 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây của TP Hà Nội. Thời gian thực hiện thí điểm trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 của HĐND, Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp, bắt đầu từ ngày 1-6-2021 cho đến khi Quốc hội chấm dứt thực hiện thí điểm.

Tại những nơi thực hiện thí điểm, HĐND phường kết thúc nhiệm kỳ 2016 - 2021 vào ngày 1-6-2021; UBND phường nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi UBND mới được thành lập.

Không có HĐND ở 177 phường, Hà Nội muốn thêm nhiều cơ chế đặc thù ảnh 1 Buổi làm việc giữa Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và lãnh đạo Bộ Nội vụ về dự thảo đề xuất. 

Mục tiêu thực hiện thí điểm nhằm từng bước đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách, đổi mới chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn tại TP Hà Nội.

Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền từ Trung ương cho chính quyền thành phố nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền thành phố trên các lĩnh vực; phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực của thành phố cho sự phát triển bền vững, thúc đẩy việc phát triển kinh tế - xã hội, hình thành Thủ đô văn minh, hiện đại, xứng đáng là đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của của cả nước và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; nâng cao tính minh bạch, năng động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền thành phố; xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh nhằm huy động cao nhất mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững của thành phố; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải quyết tốt các yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, phát huy các hình thức dân chủ trực tiếp của người dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Khi thực hiện thí điểm thì mô hình tổ chức chính quyền của TP Hà Nội, các quận, huyện, thị xã và các xã, thị trấn giữ nguyên như hiện nay. Đồng thời, rà soát để bổ sung, điều chỉnh các chức năng, nhiệm vụ còn bỏ sót, các nhiệm vụ chồng chéo giữa các sở, ngành của thành phố; tăng cường phân cấp, ủy quyền trong một số lĩnh vực từ thành phố cho các sở, ngành, quận, huyện, thị xã; thực hiện các giải pháp để củng cố chính quyền nông thôn tại các xã, thị trấn thuộc các huyện và các xã thuộc thị xã Sơn Tây theo quy định của pháp luật. Chính quyền tại các phường thuộc các quận và thị xã Sơn Tây, chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND, không tổ chức HĐND phường. 

Về tổ chức UBND gồm có Chủ tịch, từ 1 - 2 Phó Chủ tịch và các ủy viên phụ trách quân sự, ủy viên phụ trách công an. Các thành viên UBND do Chủ tịch UBND quận, thị xã bổ nhiệm, điều động, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức và đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ. 

Thêm nhiều cơ chế đặc thù cho Hà Nội

Cùng với việc đề xuất thí điểm không tổ chức HĐND phường, Bộ Nội vụ cũng đề xuất thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Hà Nội về kinh tế, quản lý đất đai, đầu tư, tài chính, ngân sách nhà nước, quy hoạch đô thị, xây dựng, đê điều; quy định cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý.

Đáng lưu ý, trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch, đầu tư và xây dựng, HĐND TP Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A thực hiện theo hình thức hợp đồng BT thuộc thành phố quản lý. 

Trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, HĐND TP Hà Nội được quyền quyết định bố trí ngân sách thành phố để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức do thành phố quản lý theo hiệu quả công việc ngoài việc thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật hiện hành, với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ. Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của TP Hà Nội do HĐND TP Hà Nội quy định.

Trong lĩnh vực đất đai, nông, lâm nghiệp và môi trường, HĐND TP Hà Nội quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cấp có thẩm quyền quyết định; chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, phòng hộ có quy mô trên 20ha sang mục đích khác theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…

Một số ý kiến cho rằng, trong Tờ trình dự thảo Nghị quyết cần đánh giá được tác động của việc thí điểm liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan liên quan, đến giảm ngân sách, cán bộ, công chức, viên chức, bởi vì, khi HĐND phường không còn thì việc ngoài việc chuyển giao nhiệm vụ cho cơ quan hành chính còn nhiều vấn đề khác cần được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng.

Dự thảo các Nghị quyết có liên quan đến các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, do đó, các nhiệm vụ của HĐND phường cần được nghiên cứu và chuyển giao cho UBND quận, UBND phường thực hiện theo quy định.

Các đại biểu cũng đề nghị Bộ Nội vụ và UBND TP Hà Nội cân nhắc thời điểm trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra vào tháng 5-2021 để có đầy đủ thời gian chuẩn bị, vì nhiệm vụ này chưa được đưa vào chương trình của kỳ họp thứ 8 sẽ khai mạc ngày 21-10-2019.

Liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù của Hà Nội, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/2017/NĐ-CP này 19-5-2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, một số nội dung đang được xem xét vì vượt quá thẩm quyền của Chính phủ.

Bên cạnh đó, các đề xuất liên quan đến tài chính cũng cần cân nhắc tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách TP Hà Nội, đề nghị giữ nguyên như hiện nay là 35%.

Về chính sách đặc thù liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị dự thảo Nghị quyết cần quy định chặt chẽ hơn.

Theo đó, đối với đất trồng lúa, đề nghị quy định tương ứng với Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TPHCM; đối với đất rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, cần quy định thẩm quyền của HĐND TP Hà Nội quyết định chuyển mục đích sử dụng từ 2 đến dưới 5ha hoặc nghiên cứu để tương ứng với Điều 20 của Luật Lâm nghiệp…

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu, hoàn thiện và trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất và mong muốn sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất đưa vào kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV nhằm thực hiện đúng lộ trình tại Kết luận số 46-KT/TW ngày 19-4-2019 của Bộ Chính trị về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Đồng thời, sẽ nghiên cứu bổ sung nội dung về Chính phủ quy định chi tiết về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa thống nhất với đề xuất trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp thứ 8 và đề nghị các cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn thiện các dự thảo, nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu đảm bảo các văn bản chất lượng, đúng quy định của pháp luật.

Tin cùng chuyên mục