Thủ tướng Anh David Cameron đặt nhiều kỳ vọng vào chuyến thăm của người đồng cấp Đức Angela Merkel trong ngày 27-2. Tuy diễn ra chỉ trong đúng một ngày, nhưng chuyến thăm của bà Merkel có thể được xem là một trong những nhân tố quyết định thành bại của ông Cameron trong cuộc tổng tuyển cử vào năm tới.
Theo Reuters, trong cuộc hội đàm, ông Cameron sẽ đưa ra vấn đề cải cách Liên minh châu Âu (EU) với nhiều điều khoản được phía Anh đề xuất để đảm bảo lợi ích của Anh khi ở trong khối và kỳ vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của Đức, quốc gia được xem là số một tại EU hiện nay. Điều này đặc biệt quan trọng đối với ông Cameron bởi nó cho thấy khả năng thuyết phục của Thủ tướng Anh, chứng tỏ vị thế của Anh tại EU hiện nay và qua đó nâng cao uy tín cho ông Cameron. Ngay trong đảng Bảo thủ của ông Cameron hiện có không ít những chính trị gia theo đường lối “hoài nghi châu Âu”, phản đối Anh nằm trong EU. Nếu nhận được sự đồng thuận của bà Merkel, ông Cameron sẽ phần nào dẹp bớt được sự “gièm pha”, hướng tới kết quả tốt đẹp trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015 và xa hơn nữa là có lợi thế trong cuộc trưng cầu dân ý tại Anh về tư cách thành viên của quốc gia này tại EU trong năm 2017.
Tuy nhiên, ngay trước thềm cuộc gặp, tờ Independent dẫn nguồn tin từ giới chính khách của cả Đức và Anh cho biết, nhiều khả năng Thủ tướng Đức sẽ không chiều theo ý nguyện của người đồng cấp Anh. Ngay cả giới phân tích cũng không kỳ vọng nhiều vào cuộc gặp lần này tại London. Sabine von Oppeln, chuyên gia về quan hệ EU của Trường Đại học Free tại Berlin (Đức), nhận định bà Merkel là nhân vật quan trọng tại châu Âu nhưng EU không chỉ có mình bà Merkel. Thủ tướng Đức không thể tự ý quyết định bởi nếu chiều theo ý của Anh có thể sẽ ảnh hưởng đến lợi ích nhiều quốc gia khác trong EU. Giới quan sát cho rằng trong cuộc gặp với ông Cameron, bà Merkel chỉ khẳng định sẽ cải cách EU theo hướng làm cho khối này trở nên lớn mạnh hơn.
Trước đó, báo giới Anh cho rằng bà Merkel tới London với một danh sách những nội dung có thể nhượng bộ hoặc thỏa hiệp nhằm đảm bảo chiến thắng cho ông Cameron tại cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU vào năm 2017.
Dù vậy, giới chức Anh phải tự hỏi rằng tại sao bà Merkel lại vội vàng rút “quân bài tẩy” khi chưa biết liệu ông Cameron có còn trụ lại sau tổng tuyển cử tháng 5-2015 hay không? Vì thế, theo họ, đây chưa phải là thời điểm thích hợp để bà Merkel thỏa hiệp. Bộ Ngoại giao Anh và một số nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền cũng cho rằng kế hoạch cải cách EU nhằm chia sẻ quyền lực như Anh mong muốn sẽ khó có thể thành hiện thực.
Thời gian qua, tại châu Âu nổi lên dư luận rằng có thể Anh sẽ là một đồng minh mới của Đức tại châu Âu, thay vì liên minh Đức-Pháp hiện nay. Báo chí Anh viện dẫn nhiều nguyên nhân để nói về tín hiệu tốt đẹp này như EU sẽ được hưởng lợi nhiều từ thị trường tài chính, thương mại mở của Anh; hai nhà lãnh đạo Merkel và Cameron có nhiều quan điểm chung trong các vấn đề khu vực, quốc tế... Tuy nhiên, Independent dẫn một nguồn tin ngoại giao đã khẳng định rằng Anh không thể kỳ vọng làm lu mờ quan hệ Paris-Berlin bởi Anh không nằm trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Tờ Independent kết luận về chuyến thăm của bà Merkel: “Dù Anh đã trải thảm đỏ nhưng sẽ không có quà cho ông Cameron”.
ĐỖ CAO