Không còn “Giấc mơ Mỹ”

Theo thống kê của Cục Điều tra dân số Mỹ vừa công bố, mức thu nhập trung bình của gia đình điển hình thuộc tầng lớp trung lưu hiện nay là 51.017 USD, gần bằng mức thu nhập của một gia đình trung lưu cách đây thế kỷ. Đúng 2 năm kể từ ngày người Mỹ bất ngờ phát động phong trào “Chiếm lấy phố Wall” để biểu tình chống lại khoảng cách giàu nghèo, thì cũng là lúc tầng lớp trung lưu Mỹ không còn cuộc sống thong dong nữa.

Theo thống kê của Cục Điều tra dân số Mỹ vừa công bố, mức thu nhập trung bình của gia đình điển hình thuộc tầng lớp trung lưu hiện nay là 51.017 USD, gần bằng mức thu nhập của một gia đình trung lưu cách đây thế kỷ. Đúng 2 năm kể từ ngày người Mỹ bất ngờ phát động phong trào “Chiếm lấy phố Wall” để biểu tình chống lại khoảng cách giàu nghèo, thì cũng là lúc tầng lớp trung lưu Mỹ không còn cuộc sống thong dong nữa.

Số liệu thống kê này thật đáng kinh ngạc vì nó tồn tại ngay tại một trong những quốc gia giàu có và công nghệ tiên tiến nhất hành tinh. Cách đây 36 năm, khi NASA phóng thành công tàu Voyager 1 vào không gian, nước Mỹ có 11,6% dân số được thừa nhận là nghèo. Với cách tính này, số người nghèo ở Mỹ hiện nay đã không giảm đi mà còn tăng lên đến 15%. Theo ông Carl Shapiro, chuyên gia kinh tế tại ĐH California và từng làm cố vấn trong Hội đồng tư vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ Barack Obama, trên thực tế, tiêu chuẩn sống của hầu hết người Mỹ đã tụt lại phía sau.

Thoạt nhìn, đó là những gia đình điển hình của tầng lớp trung lưu Mỹ: nghề nghiệp ổn định, sở hữu bất động sản, có ít nhất 2 xe hơi, thích đi nhà hàng vào cuối tuần, mỗi năm du lịch nước ngoài ít nhất một lần. Tuy nhiên, trái ngược với đời sống của tầng lớp trung lưu ở các nước phát triển khác, dành nhiều thời gian để giải trí, nghỉ ngơi khi trở nên giàu có hơn, thì người Mỹ phải làm việc nhiều hơn so với cách đây 1/4 thế kỷ. Thu nhập của các gia đình thuộc tầng lớp này đã tăng gấp 5 lần từ 1990 đến 2008. Nhưng từ năm 2009, thu nhập của người Mỹ trung lưu bắt đầu lao dốc. Họ phải học nhiều hơn, làm việc nhiều hơn và có con muộn hơn mà cũng không kham nổi chi phí nhà, chi phí y tế và chi phí đại học tăng vọt. Thu nhập thật của một gia đình trung lưu đã giảm xuống còn 66.000USD năm 2010, thấp hơn mức năm 1989 (sau lạm phát) đến 6%. Tỷ lệ người sở hữu nhà tại Mỹ, từng vọt lên kỷ lục 69,2% năm 2004, hiện tuột xuống bằng với mức cách đây gần 2 thập niên, tức 65% (Bloomberg)... Tiền lương thực tế của công nhân trong nhà máy sản xuất thấp hơn vào những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Chi phí chăm sóc sức khỏe tính theo đầu người đã bị điều chỉnh theo lạm phát, tăng gần gấp đôi từ 1988, lên đến khoảng 8.500USD, khiến phí bảo hiểm bị đẩy lên và “ăn” vào lương của người lao động. Học phí vào đại học cũng tăng nhanh hơn tốc độ lạm phát. Số cử nhân tốt nghiệp mắc nợ vay tiền để học tăng từ 45% cách đây 2 thập niên lên đến khoảng 2/3. Trung bình một sinh viên khi ra trường hiện nay sẽ mắc nợ khoảng 23.300USD.

“Giấc mơ Mỹ” trở thành khái niệm quen thuộc tượng trưng cho sự thành đạt được đền bù xứng đáng từ nỗ lực bền bỉ. Nhưng “Giấc mơ Mỹ” dường như đã bắt đầu vuột khỏi tầm tay tầng lớp trung lưu Mỹ. Lần đầu tiên kể từ 1975, số gia đình với người mẹ da trắng đơn thân nuôi con trong nghèo khổ đã vượt quá hoặc bằng số gia đình mẹ da đen đơn thân trong một thập niên qua… Có thể xem như tầng lớp trung lưu đã xuống thêm một bậc hoặc tầng lớp trung lưu không còn là tầng lớp ở giữa nữa trong xã hội Mỹ ngày nay. Chính Tổng thống Barack Obama cũng phải thừa nhận “đó là một sự phản bội của lý tưởng Mỹ”.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục