Không còn tác dụng?

Trái ngược với những sự hoảng loạn diễn ra trước đây, sau khi Moody’s tuyên bố Hy Lạp vỡ nợ và Fitch hạ bậc tín dụng của Hy Lạp xuống mức vỡ nợ hạn chế, thị trường tài chính toàn cầu không hề có dấu hiệu bị tác động.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, hàng loạt các chỉ số chứng khoán của châu Âu và Mỹ đều tăng điểm. Phiên giao dịch mới nhất vào ngày 13-3 cũng cho thấy các chỉ số này không bị sụt giảm. Trên thực tế, không riêng gì phiên giao dịch diễn ra vừa qua, “sự miễn nhiễm” đã xảy ra vào ngày 27-2, khi S&P đánh tụt Hy Lạp từ “CC” xuống mức “vỡ nợ một phần” thị trường tài chính châu Âu cũng không xuất hiện các phản ứng tiêu cực nào.

Những tín hiệu khởi sắc của thị trường toàn cầu cho thấy, các nhà đầu tư đã hoàn toàn thờ ơ với những đánh giá của các tổ chức định mức tín nhiệm. Lý giải cho nguyên nhân này, những chuyên gia phân tích cho rằng chính sự vội vã và những tai tiếng xảy ra thường xuyên của Fitch, S&P, Moody’s đã làm sụt giảm lòng tin của giới đầu tư.

Fitch, S&P, Moody’s là 3 hãng tín dụng lớn nhất trên thế giới hiện nay. Moody’s và S&P kiểm soát 40% thị phần xếp hạng tín dụng toàn cầu, còn Fitch là 15%. Mỗi dấu cộng (+) hoặc trừ (-) của các các công ty này đều tự động kích hoạt dòng chảy vào hoặc ra lên đến hàng tỷ USD đối với một loại tài sản nào đó.

Trước đây, khi hạ mức tín nhiệm chứng khoán một công ty là mức xếp hạng tài chính của quốc gia, S&P, Moody’s hoặc Fitch sẽ gây sự hoảng loạn, buộc công ty đó phải tìm cách huy động nguồn vốn mới càng sớm càng tốt nếu không muốn bị phá sản. Không dừng lại ở việc có thể làm thay đổi số phận của các công ty, Fitch, S&P, Moody’s còn có thể làm thay đổi vận mệnh của một quốc gia và thậm chí là cả thế giới.

Ban đầu, sự đánh giá tín dụng của các hãng này luôn được xem là kim chỉ nam để các nhà đầu tư quyết định các kế hoạch cho thị trường tài chính. Nhưng càng về sau, người ta nhận ra Fitch, S&P, Moody’s đã hấp tấp khi tiến hành phân định chỉ số uy tín của các tập đoàn, công ty chứng khoán và quốc gia. Điều này đã khiến dư luận quốc tế còn nghi ngờ đến khả năng có sự móc ngoặc với các ngân hàng đầu tư để trục lợi.

Từ Washington đến Brussels, Moody, S&P và Fitch đã làm tăng thêm sự căng thẳng cho các chính phủ đang phải gồng mình với các khoản nợ khổng lồ và chống chọi với những đợt suy thoái kinh tế bằng những đánh giá được cho là rất thiếu khách quan. Trong năm 2009, S&P, Fitch và Moody’s đều đã phải thừa nhận sai lầm trong việc đánh giá các sản phẩm vay dưới chuẩn tại Mỹ, một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu. Khi đó, các ngân hàng Mỹ đang bên bờ vực phá sản, nền kinh tế rơi vào khủng hoảng nhưng họ vẫn đánh giá mức tín nhiệm của Mỹ là số 1. Năm 2011, họ lại tiếp tục đưa ra đánh giá sai tình hình của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ireland, Hy Lạp và một loạt các quốc gia châu Âu khác làm thị trường mất tin tưởng vào đồng euro khiến đồng euro bị mất giá.

Bất chấp những cảnh báo của chính phủ các quốc gia châu Âu, S& P, Fitch và Moody’s vẫn tiếp tục công bố các bảng xếp hạng mới. Nhưng tự tin ấy sẽ kéo dài được bao lâu khi giới đầu tư bắt đầu quay lưng với các đánh giá xếp hạng, không còn xem đây là thước đo chuẩn mực về xếp hạng tài chính trên toàn cầu nữa.

Thanh Hằng

Tin cùng chuyên mục