Chiều 18-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết việc triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định an sinh xã hội.
- Kết quả khả quan
Báo cáo trước Thường trực Chính phủ về kết quả bước đầu trong việc thực hiện Nghị quyết 11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc khẳng định, nghị quyết đã đạt được sự nhất trí và đồng thuận cao của tất cả các cấp, các ngành, các doanh nghiệp (DN) và toàn dân.
Tốc độ tăng trưởng GDP trong quý 1-2011 đạt 5,5%, xấp xỉ mức tăng của quý 1-2010. Các ngành, lĩnh vực tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp quý 1 ước tăng 14,7%, cao hơn mức tăng bình quân cả năm 2010. Sản xuất nông nghiệp vượt qua khó khăn thiên tai, đảm bảo sản xuất phát triển ổn định. Vụ Đông xuân phía Nam đang thu hoạch vừa được mùa vừa được giá. Xuất khẩu quý 1 tăng 31%, cao gấp 3 lần so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Các hoạt động dịch vụ cũng rất sôi động với tốc độ tăng trưởng 6,2%. Tổng thu ngân sách nhà nước trong 2 tháng đầu năm tăng 17,6%. Tổng chi ngân sách nhà nước tăng chậm hơn tổng chi, tạo điều kiện giảm bội chi ngân sách nhà nước. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý 1 ước tăng 14,3% so cùng kỳ.
Trong lĩnh vực tiền tệ và tín dụng, nhờ chỉ đạo và thực hiện kiên quyết các giải pháp đồng bộ về huy động vốn, cho vay, lãi suất, quản lý ngoại hối, tỷ giá nên đã đạt được những kết quả tích cực. Tính đến ngày 10-3-2011, tổng dư nợ tín dụng tăng 3,68% và tổng phương tiện thanh toán tăng 1,7% so với thời điểm 31-12-2010. Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, với tiến độ này có thể kiểm soát tốt tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán đã được đề ra trong nghị quyết. Lãi suất huy động và cho vay đã giảm xuống một mức và ổn định hơn so với trước. Lãi suất huy động từ 16%-17% giảm còn 13%-14%. Kinh doanh thu đổi ngoại tệ bước đầu đã lập lại trật tự theo quy định. Kinh doanh ngoại tệ trên thị trường tự do được xóa bỏ, tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt đã có tác dụng tích cực. Số ngoại tệ thu đổi và gửi tại các ngân hàng thương mại tăng nhanh. Thị trường mua bán vàng miếng đang dần ổn định trở lại với giá vàng có giảm so với trước và dao động theo giá vàng thế giới. Việc rà soát, bố trí vốn đầu tư đang được các bộ, ngành địa phương triển khai tích cực,…
- Cần nhiều hơn những sáng kiến tích cực
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã đánh giá cao cách làm của Hà Nội, TPHCM và của các địa phương khác để phát huy lợi thế của từng vùng, miền (như vận động người dân tiết kiệm điện; hỗ trợ người nghèo; phát động phong trào tương thân, chia sẻ khó khăn; vận động các chủ nhà trọ không tăng giá phòng…). TPHCM và Hà Nội là 2 thành phố đông dân, có sức mua lớn nhất nước nhưng điều đáng mừng là CPI tăng không quá 5% trong quý 1. Kết quả này cho thấy công tác điều hành của cả 2 thành phố khá toàn diện, những nỗ lực trong kiềm chế lạm phát đã đạt hiệu quả bước đầu.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn nhìn nhận, trong quá trình thực hiện nghị quyết đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, trong đó CPI trong quý 1 đã tăng tới 6,1% (trong khi chỉ tiêu đặt ra cho cả năm là 7%) sẽ là thách thức lớn cho việc điều hành của Chính phủ trong những tháng còn lại. Kiềm chế lạm phát đồng nghĩa với việc thắt chặt tiền tệ, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Do vậy, trong quá trình triển khai, mỗi địa phương, mỗi DN cần tranh thủ thế mạnh, chú ý thêm các biện pháp để đẩy mạnh sản xuất, bình ổn thị trường, ổn định an sinh xã hội. “Chúng ta đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động bởi nhiều yếu tố, nhưng nhìn sang Nhật Bản mới thấy ta còn nhiều may mắn hơn họ. Tôi rất xúc động khi xem những hình ảnh mà người dân Nhật Bản trong hoạn nạn, không những họ không tăng giá bán mà còn vận động cùng nhau giảm giá bán để mọi người dân có thể mua được hàng hóa giá rẻ để dùng. Ở nước ta, nếu có sự đồng lòng để cùng vượt khó, mỗi cán bộ, mỗi DN ý thức được trách nhiệm của mình trước cộng đồng, chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện thành công Nghị quyết 11” - Phó Thủ tướng nói.
- Dồn vốn cho sản xuất
Phát biểu kết luận và chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành địa phương tiếp tục quán triệt, tập trung vào các giải pháp đề ra trong Nghị quyết 11. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất bền vững, hiệu quả, chất lượng, giá cả cạnh tranh. “Không giữ được sản xuất ổn định thì đừng nói đến ổn định vĩ mô” - Thủ tướng nói. Do vậy, các địa phương cần dồn mọi nguồn lực để cơ cấu, cân đối nguồn vốn ưu tiên tập trung cho phát triển sản xuất. Tiếp tục rà soát, cắt giảm chi tiêu công; kiểm soát giá cả, đừng để đầu cơ, tăng giá vô tội vạ những mặt hàng thiết yếu như thuốc chữa bệnh, sữa… Từng ngành, từng địa phương phải có chương trình hành động cụ thể để lo cho an sinh xã hội. Trong tình hình hiện nay, mỗi địa phương, bộ ngành cần tăng cường tiết kiệm. Tiết giảm tối đa chi tiêu, mua sắm. Tất cả các cuộc họp của các bộ, ngành đều phải triển khai họp trực tuyến nhằm tiết kiệm chi tiêu, tuyệt đối không được mời các địa phương về Hà Nội dự họp như trước.
Liên quan đến nội dung kiểm soát lạm phát, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm đảm bảo tổng dư nợ tín dụng tăng không quá 20%. Đây là mức IMF, WB đều khuyến cáo chúng ta từ 10 năm trước. Nếu không kiểm soát được dư nợ thì không thể chống lạm phát được. Theo đó, lãi suất cũng sẽ được quản lý một cách phù hợp, động viên các ngân hàng giảm lãi để cùng chia sẻ khó khăn. Chính phủ đã giao các bộ ngành chức năng sắp tới sẽ ban hành sớm Nghị định quản lý về ngoại tệ và vàng để quản lý ngoại tệ hiệu quả, chống đô la hóa trong giao dịch. “Chúng ta chống lạm phát nhưng không làm ách tắc đến sản xuất, nguồn vốn vẫn phải đảm bảo cho các hoạt động sản xuất có tiềm năng, có lợi thế trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp nhằm đảm bảo cung cầu hàng hóa, đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, ổn định an sinh xã hội” - Thủ tướng khẳng định
THÚY HẢI
| |