(SGGP). - Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, phát biểu như thế vào chiều 9-12, trong buổi triển khai thực hiện các biện pháp tổng hợp đối với người nghiện ma túy và đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn TP.
Sau 4 ngày ra quân (từ ngày 5-12 đến hết ngày 8-12), TP đã phát hiện, lập hồ sơ đối với 1.268 người lang thang nghiện ma túy; trong đó, ra quyết định đưa 823 người vào 2 cơ sở xã hội. Riêng hai quận trọng điểm về ma túy, quận 8 đã lập hồ sơ đưa 176 người vào cơ sở xã hội và quận 12 là 151 người.
Tuy nhiên, một số khó khăn mà các quận huyện đối mặt như: người nghiện ma túy lên cơn trong lúc giữ qua đêm tại trụ sở công an phường, xã trước khi giao cho cơ sở xã hội; chưa có hướng xử lý đối với người nghiện trong độ tuổi vị thành niên không có nơi cư trú ổn định; người nghiện ma túy đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng; một số người nghiện ma túy quê ở các tỉnh thành xa TPHCM và khai báo không trung thực khiến việc xác minh khó khăn...
Ghi nhận nỗ lực của các địa phương, đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu các địa phương, các ngành, các cấp coi đây là nội dung trọng tâm, thường xuyên, liên tục và lâu dài. Ngành công an phải thống kê cho thật chính xác số lượng người nghiện ma túy chứ tỷ lệ sót lọt ước 50% - 70% như hiện nay là tương đối lớn (thống kê chưa đầy đủ, TP có khoảng 19.200 người nghiện ma túy, trong đó 60% là người lang thang). Trong khi bản thân và gia đình người nghiện ma túy vẫn chưa tự nguyện khai báo tình trạng nghiện, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cần phát huy vai trò của mình, kết hợp với cộng đồng và gia đình quan tâm chặt chẽ từng đối tượng cụ thể, tư vấn cho người nghiện tự nguyện đi cai nghiện tại các cơ sở chữa bệnh. Các cơ sở chữa bệnh cần đảm bảo chất lượng cai nghiện và địa phương tăng cường quản lý sau cai, tổ chức tái hòa nhập cộng đồng tốt cho những người lầm lỡ; mở rộng điều trị nghiện bằng thuốc Methadone.
ĐƯỜNG LOAN