(SGGP). – Ngày 15-6, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo góp ý sửa đổi Luật Dược và xây dựng một số chính sách thúc đẩy, sản xuất, kinh doanh dược.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, năm 2005, Luật Dược đã được Quốc hội thông qua, nhưng sau năm 2007, sau khi Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã xuất hiện những vấn đề mới, cũng như những bất cập về quy định hiện hành đòi hỏi phải thay đổi để theo kịp thực tiễn.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ rõ một số bất cập trong lĩnh vực dược sau khi chúng ta gia nhập WTO như: quyền xuất nhập khẩu của doanh nghiệp nước ngoài, vấn đề thử tương đương sinh học và báo cáo số liệu nghiên cứu sinh khả dụng trong đăng ký thuốc chưa có quy định trong Luật Dược 2005. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp dược tập trung góp ý vào các vấn đề trong sửa đổi Luật Dược như: cấp phép đăng ký lưu hành thuốc; đề án người Việt dùng thuốc Việt; quản lý chất lượng thuốc và hoạt động dược lâm sàng.
Trong khi đó, TS Takeshi Kasai, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, nêu rõ, trong nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực phấn đấu để tiến tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. WHO ghi nhận những thành tựu đáng kể liên quan đến thuốc thiết yếu mà Bộ Y tế đã đạt được. Trong một cuộc khảo sát tiến hành năm 2011 - 2012, tỷ lệ giá trung bình thuốc thiết yếu đã giảm đáng kể và nhiều loại thuốc thiết yếu thị trường Việt Nam có giá thấp hơn so với giá tham khảo quốc tế. Việc tăng cường các quy định về quản lý dược nói chung, kiểm soát chất lượng thuốc và giám sát an toàn của thuốc nói riêng cũng đã đạt được những tiến bộ nhất định.
TS Takeshi Kasai cũng cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Dược và ban hành chính sách dược quốc gia giai đoạn đến 2020, tầm nhìn năm 2030 cần phải tập trung vào các vấn đề: tiếp cận thuốc là quyền được chăm sóc sức khỏe của mỗi người dân; thuốc là hàng hóa y tế công cộng nên cần được quản lý chặt chẽ, chất lượng phải được đảm bảo và kinh doanh hợp pháp; sản xuất thuốc trong nước trước hết phải nhằm phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân; không được dùng các thỏa thuận thương mại để mở rộng độc quyền đối với các thuốc đắt tiền.
Theo TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, hiện nay số lượng thuốc được cấp số đăng ký (SĐK) lưu hành đáp ứng đủ nhu cầu phòng bệnh và chữa trị. Hiện tại, cả nước có 25.381 số đăng ký thuốc còn hiệu lực, trong đó có 14.031 thuốc sản xuất trong nước. Tuy nhiên, việc cấp SĐK cho thuốc hiện đang tồn tại nhiều bất cập, nhất là hồ sơ để xin cấp SĐK cho thuốc ở trong nước chưa thực sự chặt chẽ và đầy đủ nên có tới 97% số hồ sơ xin cấp SĐK thuốc phải bổ sung sau khi nộp cho cơ quan chức năng.
Cùng ngày, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết (SXH) lần thứ 3, với sự tham gia của hơn 1.000 người.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay SXH là dịch bệnh do muỗi truyền có tốc độ lây lan nhanh nhất trên thế giới. Tại Việt Nam, dịch SHX lưu hành ở 3/4 các tỉnh, thành phố. Trước năm 2000, SXH luôn là một trong những bệnh truyền nhiễm có số mắc cao hàng đầu, có năm số mắc bệnh lên tới 300.000 trường hợp và trên 300 trường hợp tử vong. Từ năm 1998, Chương trình phòng chống SXH được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên đến nay, SXH vẫn là nguyên nhân làm cho khoảng 100.000 trường hợp phải nhập viện và là nguyên nhân làm gần 100 trường hợp tử vong mỗi năm, đặc biệt là trẻ em.
Tại lễ mít tinh, lãnh đạo Bộ Y tế đã phát động buổi diễu hành trên nhiều tuyến phố tại Hà Nội nhằm kêu gọi sự hợp tác giữa các nước ASEAN cũng như tuyên truyền cho người dân trong công tác phòng chống SXH. Ngành y tế cũng đề nghị sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể và mọi người dân tham gia hoạt động phòng chống SXH.
KHÁNH NGUYỄN