Đây là thông tin được ông Đỗ Văn Đông (ảnh), Phó cục trưởng Cục Quản lý dược Bộ Y tế, cho biết khi trả lời phỏng vấn, Báo Sài Gòn Giải Phóng trước tình trạng khan hiếm vaccine dịch vụ và việc một số đối tượng lợi dụng khan hiếm vaccine dịch vụ để trục lợi.
* PV: Thưa ông, người dân rất quan tâm trước việc 40.000 liều vaccine dịch vụ Pentaxim được nhập về Việt Nam, nhưng cũng không khỏi băn khoăn, lo lắng khi xuất hiện một số cá nhân, đơn vị lợi dụng việc khan hiếm vaccine dịch vụ để trục lợi. Xin cho biết phản ứng và ý kiến của Cục Quản lý dược về vấn đề này?
Ông ĐỖ VĂN ĐÔNG: Ngay khi nhận được báo cáo của công ty sản xuất về việc xuất sang Việt Nam 40.000 liều vaccine 5 trong 1 Pentaxim, Cục Quản lý dược đã chủ động thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc này nhằm minh bạch thông tin, giảm thiểu tình trạng phân phối không công bằng hoặc găm hàng. Ngoài ra, việc công khai số lượng vaccine nhập khẩu cũng để tránh tình trạng các phụ huynh xếp hàng chờ đợi tiêm dịch vụ mà bỏ lỡ lịch tiêm chủng cho trẻ.
Về việc lưu hành 40.000 liều vaccine Pentaxim: Ngày 14-12-2015, lô vaccine nhập khẩu được thông quan. Vaccine chỉ được phép đưa ra sử dụng khi có văn bản của Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế xác nhận lô vaccine nhập khẩu đạt tiêu chuẩn chất lượng và an toàn.
* Ông có thể cho biết hiện nay ở Việt Nam có bao nhiêu đơn vị được phép nhập khẩu, phân phối vaccine dịch vụ “5 trong 1” và “6 trong 1”?
Về nhập khẩu, hiện nay ở Việt Nam có 18 công ty đáp ứng điều kiện kỹ thuật về kho bảo quản vaccine, dây chuyền lạnh vận chuyển vaccine... để nhập khẩu trực tiếp vaccine. Các vaccine dịch vụ “5 trong 1” và “6 trong 1” hiện đều có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam còn hiệu lực. Do đó, bất kỳ công ty nào trong 18 công ty trên đều có thể nhập khẩu vaccine về Việt Nam mà không bị giới hạn về số lượng và giá trị nhập khẩu, không cần xin giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế. Ngoài ra, bất kỳ công ty nào có nhu cầu và đủ năng lực nhập khẩu trực tiếp vaccine “5 trong 1”, “6 trong 1” nói riêng và vaccine, sinh phẩm y tế nói chung đều có thể nộp hồ sơ đề nghị sở y tế địa phương thẩm định việc đáp ứng kỹ thuật của công ty.
Về phân phối, cả nước hiện nay có hơn 100 công ty đủ điều kiện phân phối vaccine. Các công ty này được quyền mua vaccine từ các công ty nhập khẩu, sản xuất và phân phối trên phạm vi cả nước.
Người dân đăng ký và tiêm vaccine tại Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM. Ảnh: HẢI THỤY
* Vì sao lâu nay vaccine dịch vụ “5 trong 1” và “6 trong 1” ở nước ta luôn trong tình trạng cháy hàng, thưa ông?
Hai vaccine trên đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam lần đầu vào năm 2005. Cho đến trước năm nay, kể cả thời điểm trước năm 2010 khi vaccine Quinvaxem chưa được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng, tình hình cung cấp hai vaccine trên vẫn ổn định và đáp ứng nhu cầu tiêm chủng dịch vụ của nhân dân. Mặc dù vaccine dịch vụ do thị trường điều tiết, nhưng ngay khi nhận thấy có hiện tượng nhu cầu tiêm dịch vụ tăng lên đột biến, trong khi lại suy giảm nguồn cung hai vaccine này, Cục Quản lý dược đã nhiều lần làm việc với đại diện nhà sản xuất để làm rõ nguyên nhân cũng như tìm cách khắc phục. Theo báo cáo của các công ty sản xuất thì nguồn cung bị sụt giảm trên phạm vi toàn cầu.
* Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN QUỐC
- Thông tin liên quan:
>> Công khai kế hoạch tiêm vắc xin Pentaxim
>> Nghiêm cấm lợi dụng khan hiếm vaccine dịch vụ để trục lợi
>> Hà Nội: Người dân xếp hàng thâu đêm chờ tiêm vắc xin