Tổng kết mùa bóng 2005:

Không khí quá ảm đạm

Đó là cảm nhận chung của đại đa số những người có mặt trong buổi sáng qua 1-10, tại buổi tổng kết mùa bóng 2005. Sau bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ và diễn văn chỉ đạo Hội nghị của Bộ trưởng Nguyễn Danh Thái, Phó Tổng thư ký Dương Nghiệp Khôi đã có bài phát biểu tổng kết mùa bóng 2005.

Không khí quá ảm đạm ảnh 1

Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ phát biểu khai mạc Hội nghị.

Khi đến chương trình thảo luận, góp ý kiến của các CLB, không có bất kỳ một cánh tay nào giơ lên. Thậm chí đến khi Phó Chủ tịch Lê Thế Thọ gợi ý, mời đích danh từng cá nhân đại diện cũng chẳng có bất kỳ một sự tiếp ứng nào.

Lần lượt các ông Phạm Phú Hòa, Lê Nguyên Hồng, Nguyễn Văn Vinh... được ông Thọ mời góp ý đều đứng lên từ chối. Quá “oải”, chủ tọa phải chuyển sang phần tiếp theo.

Khi được hỏi, đa số các đại biểu đều cho rằng không khí năm nay quá trầm lắng trái ngược hẳn với năm trước vì tổng kết của VFF đã quá đầy đủ (?). Tuy nhiên, những ý kiến râm ran trong và bên lề buổi tổng kết lại cho rằng: không phát biểu vì ngại nói xấu đồng nghiệp đã có bằng chứng dính dáng đến tiêu cực và biết đâu lại “há miệng mắc quai”.

Trong cả ngày hôm nay 2-10, Hội thảo bóng đá chuyên nghiệp sẽ tiếp tục với phần trình bày của ông Paul Mony, Phó TTK Liên đoàn bóng đá châu Á, về Quy chế FIFA, về chuyển nhượng và tư cách cầu thủ.  

Những phát biểu đáng chú ý

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBTDTT Nguyễn Danh Thái: “Việc một loạt trọng tài và các đối tượng liên quan có dính dáng đến tiêu cực là một nỗi đau nhức nhối có thể làm khủng hoảng, tụt hậu nền bóng đá Việt Nam so với các nước trong khu vực. VFF cần thiết phải xây dựng một chương trình hành động để thực hiện tốt Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực. Trong đó đặc biệt chú ý đến việc xây dựng các quy chế, quy định cho chặt chẽ”.

Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ: “Chúng ta cũng thẳng thắn mà đánh giá và nhận thấy vẫn còn nhiều trận đấu công tác chỉ đạo điều hành chưa đạt được những mục tiêu đề ra, đặc biệt là những vòng đấu cuối cùng của giải đã làm cho nhân dân và người yêu thích bóng đá bất bình, có những trận đấu được dư luận lên tiếng phân tích, mổ xẻ từ nhiều khía cạnh yếu kém của công tác tổ chức điều hành, trong đó có đủ các đối tượng được đề cập như: cán bộ, giám sát, trọng tài, đội bóng… đã làm cho xã hội và nhân dân hoài nghi, giảm niềm tin về sự phát triển của nền bóng đá nước nhà”.

Phó Chủ tịch VFF Lê Thế Thọ: “Các cầu thủ dù mang tính chuyên nghiệp nhưng lại rất nghiệp dư khi hành xử trên sân bóng. Họ kéo dài trận đấu một cách phi lý, thậm chí đôi lúc lố bịch, gây ức chế cho khán giả và thậm chí cả BHL đội nhà. Trong khi đó, các trọng tài lại thiếu kiên quyết trong việc phạt thẻ đối với những hành vi câu giờ như vậy. Có những đội bóng mà mọi người phải năn nỉ một vài ngôi sao và đôi khi HLV cũng không thể làm gì được”.

Nguyên TTK VFF khóa 4 Phạm Ngọc Viễn: “Công tác giáo dục, quản lý cầu thủ của các CLB còn chưa chuyên nghiệp. Thật vô lý khi ở một số đội bóng, có những cầu thủ – tuyển thủ quốc gia đá rất hay ở đội tuyển song khi về CLB đá vừa kém vừa thiếu nhiệt huyết. Một ý kiến khác của cá nhân tôi là nên ghép việc tổng kết mùa bóng 2005 với một buổi tổng kết bóng đá chuyên nghiệp sau 5 năm thử nghiệm để qua đó trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đặt tên giải VĐQG là giải bóng đá chuyên nghiệp”.

A.H

Tin cùng chuyên mục