Ấn Độ đã trở thành cái gai mới trong mắt phương Tây khi ngày 9-2, tuyên bố nước này sẽ gửi một phái đoàn thương mại đến Tehran, Iran trong vài tuần tới, để tìm kiếm những cơ hội hợp tác làm ăn với nền kinh tế đang bị lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây cô lập ngày càng tăng.
Tuyên bố trên được đưa ra trùng thời điểm với những báo cáo ngày 9-2 của Iran cho thấy, Ấn Độ lần đầu tiên đã qua mặt Trung Quốc và trở thành khách hàng tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất của Iran. Sản lượng dầu thô của Iran xuất khẩu sang Ấn Độ đã lên đến 550.000 thùng/ngày trong tháng 1, bù đắp lại sự sụt giảm của Trung Quốc, khách hàng hàng đầu của Iran, xuống còn 250.000 thùng/ngày.
Báo The Wall Street Journal nhận định, sự bứt phá này đã làm hỏng những nỗ lực của Mỹ nhằm thuyết phục các nước khác đi tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế nguồn dầu mỏ bị cấm vận của Iran để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước hoặc sẽ phải đối mặt với lệnh trừng phạt theo lệnh cấm vận của Mỹ.
Tuyên bố trên cũng được loan báo trước chuyến công du đang được lên kế hoạch của Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Herman Van Rompuy đến Ấn Độ nhằm thuyết phục Ấn Độ gây áp lực với Iran từ bỏ chương trình hạt nhân. Không rõ là liệu ông Rompuy có biết là thời điểm ông công bố chuyến du thuyết của mình cũng là lúc Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Rahul Khullar thông báo về một chiến lược thúc đẩy kinh tế quy mô vào thị trường Iran, một bước đi có thể chống lại những ảnh hưởng của các lệnh cấm vận mà ông Rompuy đang vận động.
Phát biểu với báo giới tại New Delhi ngày 9-2, ông Khullar cho biết lệnh cấm vận của phương Tây đối với Iran “không áp dụng đối với nhiều mặt hàng mà Ấn Độ đang tính xuất khẩu sang Iran (như gạo, khoáng sản, dược phẩm…) vậy tại sao Ấn Độ không chiếm lấy cơ hội làm ăn vào thời điểm này?”.
Thực tế cho thấy, mặc dù lệnh cấm vận của phương Tây chủ yếu nhằm vào Ngân hàng Trung ương và ngành xuất khẩu dầu mỏ Iran, nhưng nó bắt đầu gây ra hiện tượng lạm phát, thiếu hụt nhiều hàng hóa, khó khăn trong quá trình thanh toán của Iran vì các ngành như vận tải, bảo hiểm và tài chính liên quan đến hàng nhập khẩu của Iran đều bị ảnh hưởng. Lệnh cấm vận cũng đã gây ra nhiều rắc rối cho Iran và Ấn Độ trong việc thanh toán các đơn hàng dầu mỏ qua ngân hàng mà không vi phạm lệnh cấm vận của phương Tây. Tuy nhiên, cả hai nước này đã không đầu hàng số phận. Báo The Economic Times của Ấn Độ ngày 9-2 cho biết, chính phủ nước này đã đề xuất “hàng đổi hàng” với Iran, theo đó Ấn Độ sẽ đổi dầu mua của Iran bằng lúa mì. Trước đó Tehran cũng đã đồng ý để New Delhi thanh toán 45% trị giá dầu thô mua của Iran (tương đương khoảng 11 tỷ USD hàng năm) bằng đồng rupee thay cho USD. Phần còn lại có thể được thanh toán bằng vàng.
Trong khi phương Tây đang tính nhiều nước cờ thuyết phục các nước châu Á ngưng nhập khẩu dầu mỏ từ Tehran, thì Ấn Độ không những tăng cường nhập khẩu dầu mỏ của Iran mà còn tính chuyện mở rộng làm ăn với nước này. Các thỏa thuận “hàng đổi hàng” có thể sẽ được Iran và các đối tác thương mại áp dụng như một chiêu để “lách” lệnh cấm vận của phương Tây, như nhận định của Djavad Salehi-Isfahani, một nhà kinh tế tại Trường ĐH Kỹ thuật Virginia (Mỹ): “Iran sẽ đổi dầu lấy lương thực, đổi dầu lấy xe hơi. Họ sẽ tìm ra nhiều cách”. Thái độ của Ấn Độ không chỉ cho thấy sự nhạy bén của nước này mà quan trọng hơn là không khuất phục những “luật… lệ” vô lý của các cường quốc, mà xét cho cùng chỉ để phục vụ cho quyền lợi của chính họ.
Xuân Hạnh