Đó cũng là tiêu đề trên tờ Le Point của Pháp đăng ngày 3-11 để cảnh báo về tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp ngoài tầm kiểm soát của con người.
Viễn cảnh không tươi sáng
Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) mới đây đã công bố báo cáo tổng hợp từ 30.000 nghiên cứu độc lập của 800 nhà khoa học trên toàn thế giới. Báo cáo nhấn mạnh nhiệt độ môi trường đang ngày càng nóng dần, kéo theo lượng tuyết và băng giảm mạnh, mực nước biển dâng cao (tăng 19 cm trong khoảng năm 1901 - 2010) và có nồng độ axít cao hơn. Theo những luận cứ được đưa ra trong báo cáo thì tất cả đều là lỗi của con người.
Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang ở mức cao nhất trong 800.000 năm qua.
Đặc biệt, đó là lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính carbon dioxide đã tăng lên mức cao chưa từng có trong 800.000 năm qua. Báo cáo nhận định, các nước cần sớm hành động để giảm lượng khí thải nhà kính nhằm hạn chế nhiệt độ Trái đất tăng ở mức 2°C vào năm 2100. Với tình trạng hiện tại, nhiệt độ sẽ tăng 4°C, dẫn tới nhiều thảm họa khí hậu. Kể từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (năm 1750) đến nay, con người đã thải ra gần 2.000 tỷ tấn CO2 để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất. Đáng nói là một nửa lượng khí trên được thải ra trong 40 năm.
Áp đặt thuế khí thải
|
Báo cáo của IPCC được xem là cơ sở khoa học vững chắc để các nước dựa vào đó đề ra mục tiêu cần thực hiện nhằm tiến tới một hiệp ước toàn cầu về biến đổi khí hậu tại Hội nghị biến đổi khí hậu toàn cầu COP-21 ở Paris (Pháp) vào năm 2015. Đây được trông chờ là hội nghị sẽ tạo ra sức ép vì các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) vốn là những nước phát triển rất muốn đẩy nhanh tiến trình thắt chặt cam kết giảm khí thải. Mục tiêu chung của EU về cắt giảm 40% khí thải CO2 từ các hộ gia đình, nhà máy điện, xe hơi, máy bay, nông trại và một số nguồn khác vào năm 2030 đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ nhiều nước.
Áp đặt đánh thuế khí thải được xem là biện pháp chế tài để buộc các công ty có trách nhiệm trong quá trình sản xuất. Đây cũng là cách để khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng quy trình sản xuất bằng các nguồn năng lượng sạch. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) không ngừng hối thúc các nước mạnh tay hơn trong việc áp đặt thuế khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tháng 7-2012, Australia đã áp đặt thuế khí thải. Theo đó, 348 công ty gây ô nhiễm nhiều nhất phải trả 22,6 USD cho mỗi tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà họ thải ra. Tuy nhiên, quy định này chỉ tồn tại được gần 2 năm thì đến tháng 7-2014, Thượng viện Australia bỏ phiếu quyết định bỏ quy định trên do việc áp thuế làm giá năng lượng tăng và làm giảm sút số lượng công ăn việc làm của Australia. Thay vào đó, Chính phủ Australia hiện đang áp dụng chương trình hỗ trợ trị giá 2,55 tỷ USD từ tiền thuế của dân để phát triển ngành công nghiệp sản xuất sạch, thân thiện với môi trường hơn cho các công ty.
Bộ Môi trường Thụy Sĩ thì khẳng định sẽ áp mức thuế nhiên liệu cao hơn vào năm 2016 nếu như lượng khí thải của nước này vẫn tiếp tục tăng. Tháng 9 vừa qua, Tổng thống Chile Michelle Bachelet đã ký ban hành luật thuế môi trường mới, đưa Chile trở thành quốc gia Nam Mỹ đầu tiên đánh thuế khí thải carbon dioxide. Cụ thể, với mỗi tấn CO2 phát ra, mỗi nhà máy phải trả 5 USD. Ước tính, loại thuế này sẽ góp vào ngân sách quốc gia của Chile số tiền là 160 triệu USD/năm.
NHƯ QUỲNH (tổng hợp)