
Một thông tin thời sự: hãng Honda vừa gửi văn bản đến Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại cảnh báo về tình trạng vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với xe máy Honda ở nước ta. Hàng giả xuất hiện từ việc nhái các chi tiết, phụ tùng thay thế đến nhái toàn bộ sản phẩm với quy mô ngày càng lớn.

Hai đối tượng bị bắt do làm đĩa VCD giả.
Không chỉ riêng Honda, hiện nay trên thị trường Việt Nam có hằng hà sa số các loại hàng nhái, hàng giả các sản phẩm uy tín của thế giới từ ti vi, tủ lạnh, điện thoại di động, thiết bị điện tử cho đến các loại giày dép, các loại quần áo hàng hiệu... làm giả từ ngoại quốc và đưa vào Việt Nam tiêu thụ. Ngoài chuyện tiền nào của đấy, đa số các mặt hàng bị lập lờ đánh lận con đen, đánh lừa người tiêu dùng.
Đó là chuyện hàng giả ngoại. Nhưng còn việc ít ai ngờ là nhiều hàng hóa “Made in” Việt Nam cũng bị làm giả từ nước ngoài rồi quay trở lại tiêu thụ tại chính thị trường Việt Nam. Các sản phẩm của Nhựa Bình Minh, Giày dép Biti’s, Bột giặt Daso, Gấm Thái Tuấn... được sản xuất từ Trung Quốc, Hồng Công không những làm thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn làm lao đao các doanh nghiệp trong nước.
Đó là chưa kể các loại hàng hóa là nguồn nguyên liệu sản xuất kém phẩm chất nhập lậu để cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất hàng giả trong đó có các loại cây, con giống, men rượu, bia... mà tác hại của nó không chỉ đong đếm cân đo bằng những thiệt hại về kinh tế. Cũng không thể không kể đến những lò sản xuất hàng giả tại chính Việt Nam.
Hàng nhái, hàng giả không chỉ là chuyện riêng của nền sản xuất nước ta. Nhưng trong điều kiện thị trường còn sơ khai như ở Việt Nam, đây là vấn đề đang làm đau đầu các doanh nghiệp trong nước. Biện pháp chính yếu từ các doanh nghiệp vẫn là tăng cường chất lượng sản phẩm, in tem chống giả, thay đổi liên tục mẫu mã, thường xuyên tuần tiễu thị trường để phát hiện hàng giả.
Về phía nhà nước, cần hoàn thiện hơn nữa hệ thống luật pháp, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo việc chống sản xuất và lưu thông hàng giả hiệu quả hơn. Đặc biệt phải gắn chặt việc chống hàng giả với chống buôn lậu, nhất là buôn lậu qua biên giới. Cuối cùng phải tăng mức quy định chế tài, xử phạt nặng các vi phạm và không chỉ thiên về xử phạt hành chính như hiện nay. Đã đến lúc phải tăng truy tố về mặt hình sự đối với những vụ tiêu biểu để răn đe, không thể “bó giáo quy hàng” tệ nạn này.
KIM MÔN