Không nên đề ra một chính sách mang tính định kiến

Tiếp tục vấn đề tỉnh Nam Định không tuyển công chức đối với sinh viên hệ dân lập, tư thục, ngày 19-10, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.

Tiếp tục vấn đề tỉnh Nam Định không tuyển công chức đối với sinh viên hệ dân lập, tư thục, ngày 19-10, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.

° Phóng viên: Thưa ông, ông bình luận gì về quyết định không tuyển công chức đối với hệ dân lập, tư thục của tỉnh Nam Định?

° Ông ĐÀO TRỌNG THI: Theo tôi, UBND tỉnh Nam Định - cơ quan quản lý nhà nước mà ra quyết định như thế là không phù hợp.

Thứ nhất nó không phù hợp với các quy định của nhà nước về giáo dục, vì luật không phân biệt các loại bằng đại học, cao đẳng. Cơ quan quản lý nhà nước mà thể hiện sự phân biệt đối xử như vậy rõ ràng là không đúng.

Thứ hai, quyết định này cũng không phù hợp với chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng, Nhà nước, vì chúng ta hiện nay đang chủ trương phát triển hệ thống các trường ngoài công lập. Nơi nào cũng làm như Nam Định là chặn đứng chủ trương này.

Thứ ba, quyết định này không hề có căn cứ. Không thể nói một cách võ đoán là sinh viên dân lập kém hơn sinh viên công lập. Đây là việc lựa chọn những con người cụ thể, vào những loại hình công việc cụ thể nên không thể đánh giá phiến diện.

° Ông cho rằng  quyết định của tỉnh Nam Định là không có căn cứ?

° Nhà tuyển dụng có quyền đưa ra những tiêu chuẩn, tiêu chí riêng để tuyển dụng phù hợp với những đơn vị đó. Nhưng vì đây là cơ quan quản lý nhà nước, UBND tỉnh lại đưa ra chỉ đạo tuyển dụng đối với các sở, ban ngành như vậy là không đúng thẩm quyền. Nên để cho các đơn vị được tuyển dụng trên cơ sở cân nhắc các tiêu chuẩn, phù hợp với từng vị trí công việc.

° Nhiều ý kiến cho rằng, nếu tuyển dụng như vậy sẽ khuyến khích việc chạy theo bằng cấp?

° Việc thi tuyển công chức hiện nay theo tôi được biết còn rất hình thức, ít coi trọng đánh giá về chuyên môn. Nếu chỉ căn cứ vào điểm những bài thi tuyển công chức thì không thể đánh giá chính xác có thực tài hay không. Nếu chỉ nhìn bằng cấp thì càng không thể đánh giá năng lực một con người. Tôi cho rằng, để tìm chính xác người tài cần phải có cơ chế thử việc để bộc lộ khả năng. Sau đó mới sàng lọc, tổ chức thi tuyển để đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần cho công việc.

Kinh nghiệm của chúng tôi ở ĐH Quốc gia Hà Nội ngày trước cũng thế, phải cho ứng viên trải qua vị trí công việc chuyên môn trong một thời gian nhất định rồi mới tuyển dụng. Ngoài ra, cũng cần học tập kinh nghiệm tuyển người của các công ty nước ngoài, đó là phải phỏng vấn trực tiếp các ứng viên chứ không chỉ là qua thi tuyển. Muốn thế phải chọn được những người làm công tác nhân sự thực sự giỏi, tin tưởng họ, giao cho họ quyền được phỏng vấn, lựa chọn ứng viên. Còn việc thi tuyển công chức hời hợt, hình thức như hiện nay bản thân nó đã không phản ánh được việc chọn người tài.

° Thưa ông, không chỉ ở Nam Định mà ở nhiều nơi, việc tuyển dụng cũng nói không với sinh viên tại chức, dân lập, chỉ có điều là không quyết định thành văn?

° Nhìn chung, đúng là sinh viên dân lập không bằng sinh viên công lập. Nhưng đánh giá chung là thế, còn việc tuyển dụng lại là cụ thể, đối với từng con người cụ thể thì không thể đánh giá định kiến như vậy. Về mặt nguyên tắc, mọi đối tượng phải được bình đẳng trong thi tuyển. Nhưng cũng không ai cấm các đơn vị khi chọn từng con người cụ thể thì được đưa ra những tiêu chí, yêu cầu đặc thù. Có thể đưa ra những tiêu chuẩn riêng nhưng không thể áp đặt thành những chính sách, những mệnh lệnh hành chính, vì như thế vô hình “chặn cửa” người tài, không tôn trọng quyền công dân.

Quyền của người tuyển dụng là có thể loại ngay những trường hợp không bảo đảm tiêu chuẩn, nhưng rõ ràng là không được ngăn quyền tự do tham dự tuyển chọn của ứng viên. Cách làm như của Nam Định là vừa phân biệt đối xử vừa có thể bỏ lọt người tài.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục