Ngày 8-10, sau khi bị ngã gãy chân, ông H. phải vào phẫu thuật tại một bệnh viện lớn ở quận 5, TPHCM. Đến 16 giờ ngày 9-10, ông H. được nhân viên y tế bệnh viện chích thuốc. Tuy nhiên, khi găm xi lanh vào đầu kim bướm đã định vị sẵn thì nhân viên bệnh viện cứ lóng nga lóng ngóng, thậm chí quên cả đeo khẩu trang lẫn găng tay…
Thấy bất thường nên sau một thời gian quan sát, người nhà ông H. phát hiện nhân viên trên không phải là điều dưỡng hay y tá mà là sinh viên thực tập. Khi thấy xi lanh quá lớn và lượng thuốc rất nhiều, còn anh sinh viên lại bơm thuốc không đều nên gia đình ông H. đã yêu cầu một điều dưỡng khác thực hiện thao tác này. Tuy nhiên, yêu cầu đã bị điều dưỡng gạt đi.
Đến sáng 10-10, thấy vùng ven ông H. bị sưng nhưng điều dưỡng khoa vẫn để sinh viên thực tập đến chích nên gia đình ông H. tiếp tục phản ứng. Tuy nhiên, một lần nữa, cô điều dưỡng của khoa lại tiếp tục đứng ngoài phòng chỉ đạo sinh viên chứ không chịu làm. Theo cô điều dưỡng này, những sinh viên đang thực tập tại khoa đều có học lực xuất sắc nên gia đình cứ yên tâm. Thế nhưng, khi lấy ven để chích thuốc, cậu sinh viên lại loay hoay, chọc kim vào nhiều chỗ vẫn không lấy được ven. Phải đến khi dùng găng tay y tế buộc chặt bắp tay của ông H. mới tìm được ven. Quá bức xúc, người thân của ông H. gọi điện thoại phản ứng với ban giám đốc bệnh viện thì điều dưỡng mới chịu vào làm thay sinh viên thực tập.
Vẫn biết quá trình thực hành trực tiếp trên người bệnh sẽ giúp ích rất nhiều cho sinh viên ngành y nhất là có điều kiện cọ xát thực tế, rèn luyện kỹ năng nhưng không vì thế mà bệnh viện khoán trắng cho sinh viên.
Theo lý thuyết, trước khi đi thực tập, thực hành trên người bệnh, sinh viên ngành y phải được hướng dẫn cặn kẽ và thực hiện thuần thục trên mô hình rồi mới được thực hành trên bệnh nhân. Khi thao tác cũng cần được sự đồng ý của người bệnh. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, trường y cũng như trường dạy nghề mở ngành điều dưỡng nhưng lại thiếu dụng cụ và thiếu môi trường thực tập cho sinh viên.
Bên cạnh đó, tình trạng để sinh viên y khoa “tự biên tự diễn” trong quá trình thực tập diễn ra khá phổ biến tại nhiều bệnh viện ở TPHCM. Thậm chí không ít sinh viên của các trường phản ánh việc họ chưa được qua tập huấn, chưa được học trên mô hình hay hướng dẫn cụ thể ở trường nhưng khi đi thực tập lại được nhân viên bệnh viện khoán trắng công việc.
Mới đây, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế B.D. phản ánh, dù chưa được học và thực tập môn sản nhưng trong quá trình đi thực tập tại bệnh viện, họ đã được nhân viên bệnh viện cho “tự bơi” (được giao đỡ đẻ, tắm trẻ sơ sinh…). Nếu sinh viên làm không xong sẽ bị nhân viên bệnh viện nhiếc móc và gợi ý bệnh viện đánh giá thực tập kém. Hay như trường hợp gần 200 sinh viên trung cấp y của một trường đại học ở TPHCM bức xúc phản ánh, suốt hơn một tháng thực tập lâm sàng tại các bệnh viện nhưng họ như bị bỏ rơi vì không được giáo viên hướng dẫn. Trong khi đó, nhiều môn sinh viên chưa được học nên khi đi thực tập không biết làm gì…
Các trường, bệnh viện cần tuân thủ quy định, quy chế giám sát sinh viên thực tập để bảo quyền lợi, nghĩa vụ của hai bên, nhất là quyền lợi của bệnh nhân phải được đặt lên hàng đầu.
Tiến Đạt