Thương hiệu Việt Nam sau một năm gia nhập WTO

Không nên mãi tự hào với… phở!

Tại Việt Nam có khoảng 250.000 doanh nghiệp (DN) tư nhân và 2.000 DN nước ngoài, thế nhưng, có bao nhiêu DN xây dựng được thương hiệu? Vấn đề được đặt ra tại hội thảo “Vị thế thương hiệu Việt sau 1 năm gia nhập WTO” do Thời báo Kinh tế VN tổ chức chiều 24-3.

Vị trí thương hiệu: bao giờ?

“Thương hiệu (TH) quốc gia là sự kết hợp giữa hình ảnh quốc gia và bản sắc quốc gia. Nói đến Nhật Bản, người ta nghĩ ngay đến một đất nước có ngành công nghiệp điện tử, xe hơi phát triển. Vậy hình ảnh của Việt Nam là gì? - Không có hình ảnh cụ thể!” - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển thẳng thắn nói. Ông tiếp, ở tầm thế giới, VN vẫn chưa có một TH nào.

Một vài DN trong nước được một vài tổ chức nước ngoài bình chọn chủ yếu dựa trên doanh số kinh doanh tại VN. Theo ông, VN vẫn chưa có một chiến lược cụ thể trong xây dựng TH. Phần lớn DNVN chỉ mới dừng lại ở gia công, lắp ráp nên chưa thể xây dựng được TH. Ông nói: “Chúng ta đã gia nhập WTO, đã ra sân chơi lớn, phải tính tới giá trị TH (vì giá trị TH làm tăng trị giá sản phẩm gấp nhiều lần).

Vì vậy, để xây dựng được TH quốc gia, cần tính tới 3 tiêu chí: đổi mới - sáng tạo, chất lượng và năng lực lãnh đạo để nâng giá trị sản phẩm, chứ không nên mãi tự hào với thương hiệu… phở Việt Nam! Muốn xây dựng được TH, tùy theo loại hình, DN phải có chiến lược phát triển. Chẳng hạn ở ngành may mặc, không chỉ may – xuất khẩu mà phải chuyển sang thiết kế, tạo mẫu; ở ngành công nghiệp thì không nên gia công mà phải chế tạo linh kiện; ngành dịch vụ thì phải biết khai thác thị trường, thiết lập hệ thống phân phối toàn cầu…”.

Cạnh tranh: không chỉ về giá!

“VN phải chế biến sâu hơn, huy động trí sáng tạo của người dân. Hiện nay, nền kinh tế của VN mới tăng trưởng nhờ lao động rẻ, cần cù, nguyên liệu thấp, chứ chưa đạt được “kinh tế thúc đẩy bởi sáng tạo” - TS Lê Đăng Doanh, chuyên viên kinh tế cao cấp, nhận xét. Và điểm khác nhau giữa các DN chính là “chiến lược”, tức là nghĩ đến vấn đề lâu dài. Theo khảo sát của Trung tâm Thương hiệu Đại học Thương mại thì việc tính đến chiếc lược TH của DNVN rất kém.

Trong tổng số 126 DN xuất khẩu nông sản của năm 2007 thì chỉ có 32% DN có chiến lược cụ thể, 45% không có chiến lược cụ thể, 49% không quan tâm với lý do hàng vẫn bán và doanh số vẫn tăng. Ông cũng đưa ra cái yếu của DNVN là tính đoàn kết trong chia sẻ lợi nhuận rất kém. TS Lê Đăng Doanh cho rằng, cái yếu của DNVN là tính đoàn kết trong chia sẻ lợi nhuận rất kém, vì thế không liên kết trong xây dựng chiến lược tạo TH lâu dài.

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Quốc Thịnh, Giám đốc Trung tâm Thương hiệu Đại học Thương mại Hà Nội nói đến giá trị thấy được và giá trị không thấy được. Giá trị cảm nhận đóng vai trò rất quan trọng, vì vậy, DNVN cần bỏ quan niệm cạnh tranh TH bằng cách hạ giá thành, mà phải xây dựng TH và cạnh tranh bằng các dịch vụ kèm theo.

Ông ví von: “Phở Hà Nội và phở ở TPHCM chưa tính đến giá cả và chất lượng sản phẩm, chỉ tính đến dịch vụ kèm theo để thấy khách hàng thích loại nào: bát phở Sài Gòn “khuyến mãi” cái dĩa đặt bên dưới, còn bát phở Hà Nội được “khuyến mãi”… ngón tay cái của người phục vụ!”. Bên cạnh đó, để xây dựng TH bằng chất xám thì trước hết phải xây dựng lực lượng lao động kỹ thuật cao để không phải tính đến xuất khẩu sao cho nhiều gạo, nhiều tôm mà không tính đến chế biến sâu hơn để tạo TH riêng cho quốc gia mình. 

HÀN NI – MỸ HẠNH

Tin cùng chuyên mục