
Đội Đà Nẵng đứng hạng 7 V.League 2006. Ảnh: N.H
Phó Chủ tịch CLB Bóng đá Đà Nẵng Trần Minh Toàn thẳng thắn thừa nhận : “Từ việc thi đấu không thành công, chúng tôi đã rút ra những nguyên nhân như công tác tuyển chọn VĐV vẫn còn bị động, chưa đạt yêu cầu và đảm bảo chuyên môn, công tác quản lý HLV và VĐV chưa chặt chẽ, chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự sa sút tâm lý trong những giai đoạn đội bóng gặp khó khăn. VĐV có biểu hiện mất đoàn kết, nhưng không được chấn chỉnh kịp thời, qui chế thưởng - phạt chưa khoa học, nên không tạo được động lực cho toàn đội trong cả tập luyện và thi đấu...”
Cùng lúc, việc đội U-19 và U-21 đều không thành công càng làm đậm nét hơn thất bại của CLB Đà Nẵng trong nỗ lực khẳng định hướng phát triển của chính mình. Dẫu có sự yêu mến hay khoan dung, không một ai có thể hài lòng về một bảng tổng kết quá nghèo nàn so với mức độ đầu tư không nhỏ mà CLB Đà Nẵng nhận được. Sự “ám ảnh” ấy vẫn kéo dài trong tâm trí người hâm mộ khi đến nay, CLB Chuyên nghiệp Đà Nẵng dường như vẫn còn loay hoay trong việc xác định “bộ khung” chính thức của mình dù mùa giải mới không còn quá xa.
Trở về sau đợt tuyển quân dài ngày tại Brazil, một thành viên trong Ban huấn luyện phải thừa nhận :”Do phí chuyển nhượng quá cao, nên rất khó tìm được những cầu thủ chất lượng cao đúng yêu cầu”. Và từ những giải tập huấn không mấy thành công của CLB, sự ngờ vực càng tăng cao dù đội quân của ông Phan Thanh Hùng chỉ đặt mục tiêu phấn đấu “xếp từ thứ nhất đến thứ 5 giải V-League 2007”.
Cái khó của bóng đá Đà Nẵng, phải chăng bắt nguồn từ nội lực ? Lắm người cho rằng, chính sự nuông chiều thái quá đã khiến không ít cầu thủ nẩy sinh tư tưởng “công thần”, dẫn đến nạn “kiêu binh” ! Có thể không sai nhưng nguyên nhân của mọi nguyên nhân lại chính là cách làm thiếu chuyên nghiệp của Đà Nẵng.
Thiếu chuyên nghiệp ngay cả trong sự che đậy không cần thiết những tồn tại, yếu kém mà ai cũng thấy. Chẳng hạn, việc các cầu thủ suýt ẩu đả nhau trên sân Long An hay như lối tiêu tiền vô tội vạ qua việc tuyển những cầu thủ nước ngoài không đạt yêu cầu chuyên môn như Samuel Ayorinde và Udensi rồi việc Mạnh Dũng thường xuyên gây ra những rắc rối luôn được giấu nhẹm.
Thậm chí, lối “thưởng nóng” lại có tác dụng ngược khi, điều này không giúp cho các cầu thủ nhận thức được trách-nhiệm-phải-thắng của một người chuyên nghiệp. Thay vào đó, lắm lúc, không ít VĐV xem đó là “trách nhiệm” của lãnh đạo thành phố hay của lãnh đạo CLB ! Bài học về sử dụng đồng tiền -trong chính sách lương, thưởng- của Gạch Đồng Tâm Long An hay các chính sách hỗ trợ để tạo sự gắn bó, động viên mang tính lâu dài của Hoàng Anh Gia Lai cần được Đà Nẵng vận dụng hay không ?
Không ai có thể sống mãi với quá khứ vàng son khi cuộc sống vẫn luôn vận động. Bóng đá Đà Nẵng cũng thế ! Một mùa giải mới bắt đầu với rất nhiều khó khăn – đó là một thực tế mà Đà Nẵng không thể phủ nhận. Điều quan trọng là lãnh đạo CLB cần nhìn nhận đúng để đừng tự đánh lừa mình lẫn người hâm mộ qua một lăng kính màu hồng.
VŨ BẢO NGUYÊN