(SGGPO).- Sau khi Đoàn ĐBQH TPHCM chính thức có văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chấp thuận kiến nghị tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đã trao đổi làm rõ thêm về vấn đề này.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, nếu ngân sách điều tiết bị giảm xuống còn 18% thì ngân sách TP sẽ rất eo hẹp
* PHÓNG VIÊN: Nếu giảm ngân sách, TPHCM sẽ gặp khó khăn ra sao, thưa bà?
- Bà NGUYỄN THỊ QUYẾT TÂM: Với tỷ lệ 23% ngân sách để lại hiện nay, TP chỉ đáp ứng 30% cho đầu tư, nếu giảm xuống còn 18% thì đầu tư chỉ còn 21%.
Với một TP có 12 triệu dân, trong đó có khoảng trên 3 triệu người là dân số tăng cơ học, lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, lao động vãng lai thì chi đầu tư 21% là quá ít.
TPHCM chưa bao giờ coi HS-SV ngoại tỉnh, lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, lao động vãng lai... đến TP là gánh nặng cả. Thậm chí người dân ngoại tỉnh đến khám chữa bệnh ở TPHCM thì TP vẫn cố gắng đáp ứng ở mức cao nhất.
Nhưng ngược lại, TP cũng mong TƯ chia sẻ để TP làm được điều đó. Còn nếu cứ giảm như thế này thì đến lúc, TPHCM không còn nguồn nào để đầu tư.
Dĩ nhiên, từ trước đến nay TP vẫn tìm kiếm các nguồn vốn xã hội, vốn ODA, nhưng TP vẫn cần một nguồn ngân sách để chủ động, không thể lúc nào cũng dùng vốn xã hội được. Vì vậy, nếu giảm một lúc từ 23% xuống còn 18% ngân sách cho TP thì chúng tôi rất khó khăn.
Tôi chỉ lấy ví dụ thế này, mỗi năm 1/3 số HS-SV tăng cơ học, hàng năm TP xây dựng từ 12.000 -15.000 phòng học mới nhưng vẫn không đáp ứng được. Mỗi ngày có trên 35.000 người ngoại tỉnh đến TP khám chữa bệnh, trong số đó có 40% nội trú, nên áp lực cho TP rất lớn. Cùng với đó là trên 250.000 lao động trong các khu công nghiệp, TP cũng phải lo về nhà ở, học hành, y tế cho con em... Những điều đó đòi hỏi phải có ngân sách để tái đầu tư.
Còn yêu cầu về hạ tầng thì chúng ta thấy đấy, TP đang đối mặt với vấn đề ngập nước, kẹt xe...
Tất cả những vấn đề đó đều tác động trực tiếp đến môi trường đầu tư, thu hút đầu tư của TPHCM. Bây giờ, một nửa doanh nghiệp của đất nước là nằm trên địa bàn TPHCM, kêu gọi khởi nghiệp thì phải có môi trường cho doanh nghiệp...
Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Có thể thấy, nếu không có tái đầu tư cho TPCHM, không có tỷ lệ ngân sách điều tiết hợp lý sẽ tác động đến sự phát triển bền vững của TPHCM. Mà cứ mỗi 1% tăng GDP của TPHCM thì chiếm tỷ trọng khoảng 30% GDP của cả nước. Chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của TP đề ra cho giai đoạn 2016-2020 (GRDP) từ 8-8,5% là chỉ tiêu căn cứ vào Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách TP từ năm 2015. Bây giờ không tăng lại còn giảm một cách đột ngột từ 23% xuống còn 18%.
* Có thể định lượng những tác động nếu tỷ lệ ngân sách điều tiết cho TPHCM chỉ còn 18%, thưa bà?
|
- Rất rõ ràng. Đầu tư sẽ chỉ còn 21%. Bên cạnh đó, tác động rõ nhất là về an sinh xã hội.
Hiện nay, 60-70% người hưởng bảo trợ xã hội ở TPHCM là từ các địa phương khác mà ngân sách TP phải gánh. Nên nếu cứ giảm thì TP sẽ không thể gồng mình gánh mãi chuyện này được.
Hay như vấn đề xử lý ma túy của TP, người nghiện trên địa bàn đa số là người ngoại tỉnh. Vừa qua, TP đã bỏ ra một khoản ngân sách rất lớn để tập trung người nghiện vào cơ sở tập trung, nếu bây giờ giảm thì sẽ tác động trực tiếp đến họ.
Còn về kinh tế, tôi muốn nói rõ những vấn đề ngập nước, môi trường... có trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, quản lý của TPHCM. Nhưng phải thấy rõ đó cũng là hệ lụy của việc TP không được đầu tư một cách thỏa đáng, luôn giảm ngân sách cho TP, từ 33% xuống còn 23%% trong những năm qua, rồi tới đây nếu xuống 18% nữa thì tình trạng sẽ còn xấu hơn.
Vì thế, thu hút 500.000 doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM cũng là thử thách rất lớn nếu không tạo ra được môi trường đầu tư tốt. Không giải quyết được vấn đề xã hội như kẹt xe, ngập nước, tội phạm... thì khách du lịch không đến, không thu hút được đầu tư. Mà TPHCM thì đang chiếm trên 50% khách du lịch cả nước, xuất nhập khẩu chiếm ¼, doanh nghiệp chiếm ½ cả nước..
Tất cả những điều đó sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển của TP, mà như tôi đã nói, TP chậm phát triển sẽ ảnh hưởng đến cả nước.
Không giải quyết được vấn đề xã hội như kẹt xe, ngập nước, tội phạm... thì khách du lịch không đến, không thu hút được đầu tư, theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm. Ảnh: Du khách nước ngoài tham quan TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
* Theo bà, cần phải đảm bảo điều kiện gì để TPHCM giữ vững vai trò đầu tàu của cả nước?
- Ông bà ta đã nói, phải ăn đủ no thì mới làm ra của cải được. Nếu cứ eo hẹp hoài thì làm sao làm ra được, trong khi đó, ngân sách TƯ giao cho TP thì không ngừng tăng, năm 2016 này là trên 350.000 tỷ đồng (tăng trên 30%). Tái đầu tư lại không có. Không nuôi dưỡng nguồn thu thì lấy đâu ra thu.
TPHCM có lợi thế so với các địa phương khác là nền tảng phát triển đã có, cơ hội cũng có, chỉ còn vấn đề đầu tư vào để sinh lời. Nếu không đầu tư thì sinh lời sẽ giảm và ảnh hưởng trực tiếp đến cả nước. Đó là điều mà chúng ta nhìn thấy rất rõ ràng.
Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị đề ra tăng ngân sách cho TPHCM thể hiện tầm nhìn của Bộ Chính trị về vai trò đầu tàu của TPHCM. Nhưng diễn biến tình hình đất nước gặp nhiều khó khăn nên TPHCM phải chia sẻ là đương nhiên. Nhưng tôi nghĩ phải với tỷ lệ hợp lý để TP còn phát triển. Vì vậy, TPHCM kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ nên giảm ngân sách cho TP xuống còn 21%. Cùng với đó, TP sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển.
PHAN THẢO