“Không có kinh phí thực hiện” là điều đầu tiên thường được ngành chức năng nêu ra khi được hỏi tại sao khu vực này nhếch nhác, khu vực kia nhiều rác thải…? Khách quan mà nói, câu trả lời như vậy không sai, nhưng… cũng không chính xác.
Bởi lẽ, việc dọn dẹp vệ sinh, giữ cho đô thị ngăn nắp, sạch đẹp không chỉ phụ thuộc vào kinh phí, mà còn phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người dân. Trên rất nhiều con phố lớn ở TPHCM như Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng, Nguyễn Kiệm, Ngô Gia Tự, Nguyễn Chí Thanh…, nhiều ngôi nhà mặt tiền ở đây được xây dựng rất to, đẹp. Chắc chắn chủ nhân của chúng không phải là người không có tiền… Thế nhưng, rác ở đây vẫn vương khắp nơi, xe cộ dựng ngang dọc, nước thải đổ ra vỉa hè nhớp nhúa…. Nếu ngành chức năng có đủ kinh phí, đủ lực lượng đi kiểm tra và xử phạt những hành vi này thì tình trạng mất vệ sinh, thiếu mỹ quan đô thị sẽ được hạn chế. Song nếu người dân thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh, mỹ quan đô thị chung thì kết quả của việc kiểm tra, kiểm soát cũng không lâu bền. Ngược lại, người dân tự giác giữ gìn vệ sinh, chủ động sắp xếp xe cộ… thì không những không cần ngành chức năng nhắc nhở mà kết quả này cũng bền vững.
Ảnh minh họa
Tất nhiên, vấn đề là ý thức tự giác nêu trên không thể… tự nhiên có, mà phải được giáo dục, tuyên truyền và đặc biệt chế tài thật nghiêm những hành vi sai phạm, mới hình thành được thói quen này. Tiếc rằng, công tác tuyên truyền, giáo dục, thậm chí sự răn đe… của ngành chức năng với nhiều người (thiếu ý thức) chưa được thực hiện quyết liệt. Một người bạn nước ngoài của tôi đã nhận xét, TPHCM có rất nhiều khu phố đẹp…, nhưng chỉ tiếc là hầu hết chưa được giữ gìn sạch sẽ, ngăn nắp. So với nhiều đô thị ở khu vực Đông Nam Á, cảnh quan, kiến trúc đô thị ở TPHCM không thua kém, nhưng chính sự nhếch nhác, lộn xộn… đã làm cho thành phố mất “điểm” trong mắt du khách, bạn tôi chia sẻ.
Thực ra, không phải tới khi có người nhắc, tôi mới giật mình. Quả thật, TPHCM còn rất nhiều chỗ chưa sạch sẽ nếu không muốn nói là còn rất… dơ với rác thải vứt bừa bãi. Thậm chí, trên nhiều tuyến đường vào buổi sáng sớm còn có không ít chuột chết bị người dân vứt ra giữa đường, xe cộ cán qua… vừa mất vệ sinh, vừa phản cảm. Hình như chưa có người dân nào bị phạt vì hành vi vứt xác chuột ra đường?
Ông bà ta đã dạy “nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm” để nhắn nhủ con cháu về tầm quan trọng của giữ gìn vệ sinh. Trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, có thể chúng ta chưa có nhiều tiền để xây dựng các khu đô thị hoành tráng, hiện đại, nhưng điều đó cũng không có nghĩa chúng ta chấp nhận sự nhếch nhác, lộn xộn. Chỉ cần mỗi người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh, tôn trọng trật tự đô thị, TPHCM hiện tại cũng đã đẹp hơn rất nhiều.
SƠN LAM