Anh không phải là một chàng hề như người ta nói, nhưng anh cũng chẳng thiên tài gì hết trong lĩnh vực cầm quân. World Cup đã phơi bày sự thật đó.
1. Nếu chiến thắng là cách tốt nhất để che giấu hoặc phớt lờ nhược điểm, điều đó rất đúng với Argentina, với Maradona. Qua những chiến thắng nối tiếp chiến thắng ở vòng đấu bảng rồi vòng 16 đội, người ta chỉ nhìn thấy ánh sáng lấp lánh của hàng tấn công Argentina. Higuain ghi bàn. Tevez ghi bàn. Messi không ghi bàn nhưng những pha đi bóng, những đường chuyền của chàng nhạc trưởng trẻ tuổi này vẫn thổi bùng lên cả một niềm hứng khởi. Trong những ngày tươi đẹp đó, chẳng ai lưu ý đến chuyện hàng tiền vệ và hậu vệ của Maradona có lỗ hổng, rất nhiều lỗ hổng. Thậm chí việc Maradona gạt khỏi danh sách những cầu thủ phòng ngự thượng hạng như hậu vệ Zanetti và tiền vệ Cambiasso còn có lúc được xem là một quyết định đúng đắn.
Chiến thuật của Maradona - nếu gọi đó là chiến thuật - là ghi bàn nhiều hơn chứ không phải ngăn chặn đối thủ ghi bàn. Tấn công, tấn công và tấn công, vì “chúng tôi đến đây để mang lại niềm vui cho người hâm mộ Argentina, để chơi thứ bóng đá chúng tôi ưa thích”, anh nói.
2. Vui, thích, đẹp, đúng như vậy. Nhưng quá ngây thơ, thậm chí khờ dại. Khờ dại đến độ bị đội Đức khoét mạnh vào cánh phải, lọt lưới 1-2-3-4 lần do cả 4 đường bóng ở chỗ đó tạt vào mà vẫn chẳng có một biện pháp nào khắc phục. Thay vào đó, Maradona chỉ bần thần, lặng ngắt.
Đó chính là sự thật về Maradona-HLV ở World Cup 2010, một người chỉ thích và chỉ biết dùng ngọn lửa nhiệt tình cộng với sự sẻ chia thân ái để bù đắp cho mưu lược và kinh nghiệm cầm quân gần như bằng 0. Anh thích ôm chặt các “cậu bé” của mình, trước và sau trận đấu đều vậy. Những huấn thị của anh trên sân tập nếu không phải là “cố lên!”, “tốt lắm!”, “được đấy!” thì cũng đại loại như thế. Anh thích nói về “đức hy sinh, tình ruột thịt và tinh thần” của cầu thủ thay vì nói tới công thức thi đấu.
Ngược lại, các cầu thủ Argentina chủ yếu là đề cao kinh nghiệm 4 lần tham gia World Cup của Maradona chứ không phải đấu pháp của Maradona - nếu quả thực anh có đấu pháp.

Người hâm mộ Argentina chờ đội tuyển của họ ở gần sân bay quốc tế Buenos Aires hôm Chủ nhật.
3. “Lúc tôi còn đá bóng, chẳng ai có quyền yêu cầu tôi đá chỗ nào”, Maradona huỵch toẹt, “Vậy thì tôi cũng chẳng cần nói Messi biết cậu ấy phải chơi ở chỗ nào”. Trời đất!
Trông Messi dẫn bóng qua 3-4 đối thủ, guồng chân nhanh nhẹn, dáng bộ uyển chuyển, đúng là sướng mắt. Nhưng chỉ đúng khi gặp Cameroon, Hàn Quốc, Hy Lạp hay Mexico mà thôi. Nó chẳng còn đúng khi đụng đối thủ lớn thực sự như đội Đức ở tứ kết. Khi các tiền đạo bị bịt chặt đường vào cầu môn, khi tuyến giữa bị người Đức khống chế, Messi chẳng còn chuyền được cho ai một cơ hội sáng sủa nào. Và không chỉ có vậy, khi chàng nhạc trưởng tài hoa ấy muốn chuyển sang vai trò sát thủ săn bàn, anh cũng chẳng nhận được đường bóng triển vọng nào từ bất kỳ ai.
Cho nên, trận thua Đức 0-4 có bất ngờ chăng thì cũng chỉ là kết quả 0-4 ấy. Maradona có thể là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá thế giới, nhưng về cầm quân thì anh chưa đáng làm học trò của Loew. Thứ nhất, Loew làm phá sản kế hoạch A của Maradona - tấn công, tấn công và tấn công - bằng hàng hậu vệ và tiền vệ chặt chẽ. Tiếp đến, Loew phơi bày thêm sự thật là Maradona chẳng hề biết tới kế hoạch B, C hay D gì cả. Và Loew làm điều đó bằng cách sử dụng tốc độ cao để càn qua chốt chặn duy nhất của Argentina ở giữa sân (Mascherano) cũng như khoét mạnh vào 2 hành lang, nơi Maradona không hề có những hậu vệ cánh thực thụ.
4. Tại Nam Phi, bài Tango của Maradona kết thúc như thế đó. Nhưng đây vẫn chưa phải là bản Tango cuối cùng. Anh còn một lần Tango nữa trong phòng họp báo, sau khi ôm ấp-vỗ về-chia sẻ cùng các cậu bé nước mắt của mình trong phòng thay đồ. Ở cuộc họp báo ấy, anh khẳng định các cầu thủ Argentina cần phải tiếp tục đá theo phong cách... của anh. Đồng thời, nếu anh có ra đi thì người kế nhiệm trên chiếc ghế HLV trưởng vẫn phải tiếp tục con đường anh đã chọn.
Đúng vậy, nhưng cũng chỉ đúng một phần. World Cup quả là sẽ mất nhiều màu sắc nếu không còn một Argentina tấn công tận tình như vậy. Ngày hội bóng đá của nhân loại sẽ kém vui nhộn nếu thiếu Maradona, thiếu những lần anh hăm hở tâng bóng ngoài đường biên như thể còn là cầu thủ. Không có HLV nào ở World Cup này đá bóng giỏi bằng anh, tạo ra một sức hút như phong cách họp báo của anh, chắc chắn như vậy. Nhưng có lẽ cũng chẳng HLV nào cầm quân kém như anh - trừ phi Maradona chịu khó tích lũy nhiều thật nhiều kinh nghiệm, xây dựng một lực lượng công thủ cân bằng và ra sân bằng lý trí hơn là cảm tính.
Công chúng Argentina có lẽ đã nhìn trước được điều đó. Nhìn trước được thì dễ nuốt trôi kết cục này hơn. Có lẽ chẳng mấy ai quá tức tưởi về thất bại của Argentina-Maradona, dù khúc hát buồn “don’t cry for me Argentina” đang vang lên đâu đó...
Hưng Nguyên
Bảo vệ nghiêm ngặt Khi đoàn cầu thủ Argentina về đến nhà vào Chủ nhật (giờ địa phương), họ đã được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Cảnh sát đã dùng mọi biện pháp cần thiết nhất để ngăn cản người hâm mộ đến phi trường quốc tế Buenos Aires khi máy bay của đội tuyển Argentina còn chưa hạ cánh. Đường cao tốc vào sân bay bị chặn lại cách đó không dưới 3km. Chỉ có hành khách đi máy bay, phi hành đoàn và công nhân viên của phi trường mới được cho qua. Khi máy bay của đội tuyển Argentina hạ cánh, nhân viên cửa khẩu và cả thuế quan đã ra tận máy bay làm thủ tục cho cầu thủ và Ban huấn luyện. Kế đến, một chiếc xe ca chờ sẵn đã đưa họ ngay từ cầu thang máy bay đến thẳng trụ sở LĐBĐ Argentina ở gần đó. Tuy nhiên, bất kể sự cách trở như vậy, vẫn có hàng ngàn người hâm mộ tụ tập dọc đường cao tốc cũng như bên ngoài trụ sở liên đoàn. Nhiều người hâm mộ vẫn cổ vũ cho Maradona. Tin cho biết nhiều cầu thủ Argentina cũng đã yêu cầu Maradona tiếp tục làm HLV trưởng... P.L |