Không phải mọi hành vi xây dựng không theo giấy phép đều sai phép

Có thể giảm tầng so với GPXD
Không phải mọi hành vi xây dựng không theo giấy phép đều sai phép

Thông tư 02/2014 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 121/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật và quản lý phát triển nhà công sở do Bộ Xây dựng vừa ban hành (có hiệu lực từ ngày 2-4-2014) nêu rõ: hành vi xây dựng sai phép được hiểu là xây dựng sai một trong các nội dung của giấy phép xây dựng (GPXD) và các bản vẽ thiết kế được cơ quan cấp GPXD đóng dấu kèm theo GPXD được cấp. Tuy nhiên, Thông tư 02 cũng nêu ra một số hành vi xây dựng không theo GPXD không được coi là xây dựng sai phép.

Nhà ở riêng lẻ có thể xây dựng thấp tầng hơn so với giấy phép xây dựng mà không bị xử phạt. Ảnh: HUY ANH

Nhà ở riêng lẻ có thể xây dựng thấp tầng hơn so với giấy phép xây dựng mà không bị xử phạt. Ảnh: HUY ANH

Có thể giảm tầng so với GPXD

Theo Thông tư 02, việc xây dựng nhà ở riêng lẻ thuộc một trong các trường hợp: thay đổi thiết kế bên trong công trình mà không ảnh hưởng đến việc phòng cháy chữa cháy, môi trường, công năng sử dụng, kết cấu chịu lực chính hoặc kiến trúc mặt ngoài công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ; giảm số tầng so với GPXD đối với những khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 hoặc thiết kế đô thị đã được phê duyệt thì không coi là hành vi xây dựng sai phép. Các trường hợp còn lại nếu xây dựng không đúng GPXD đều bị xử phạt và buộc tháo dỡ theo quy định.

Liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm xây dựng nhiều lần, Thông tư 22 nêu rõ: sau khi người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm mà tổ chức, cá nhân vi phạm vẫn tiếp tục thực hiện thì lập biên bản vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân đó. Theo đó, mức phạt được áp dụng là 500 triệu đồng đối với việc xây dựng công trình, không yêu cầu phải lập dự án đầu tư xây dựng công trình và 1 tỷ đồng đối với việc xây dựng công trình, yêu cầu phải lập dự án đầu tư xây dựng công trình.

Đối với hành vi vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng đến các công trình lân cận, không tranh chấp và xây dựng trên đất sở hữu hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng trái phép đối với công trình nhà ở riêng lẻ và 50% giá trị phần xây dựng trái phép, sai thiết kế được phê duyệt, sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình dự án đầu tư xây dựng. Sau khi hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp GPXD hoặc điều chỉnh GPXD. Thông tư cũng đã đưa ra cách xác định giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được duyệt, sai quy hoạch hoặc sai thiết kế đô thị được duyệt. Cụ thể, đối với công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình, lập dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc công trình xây dựng khác trừ nhà ở riêng lẻ, trường hợp xây dựng công trình nhằm mục đích kinh doanh được tính bằng số m² sàn xây dựng vi phạm nhân (x) với giá tiền 1m² theo hợp đồng đã ký. Trường hợp xây dựng công trình không nhằm mục đích kinh doanh được tính bằng số m² sàn xây dựng vi phạm nhân (x) với giá tiền 1m² theo dự toán được duyệt.

Đối với nhà ở riêng lẻ được tính bằng số m² xây dựng vi phạm nhân (x) với giá tiền 1m² xây dựng tại thời điểm vi phạm cộng với số m² đất xây dựng vi phạm nhân (x) với giá tiền 1m² đất do UBND cấp tỉnh ban hành hằng năm, trong đó giá trị đất được xác định theo nguyên tắc: tầng 1 (tầng trệt) tính bằng 100% giá tiền 1m² đất tại vị trí đó nhân (x) với số m² đất xây dựng vi phạm. Từ tầng 2 trở lên tính bằng 50% giá tiền 1m² đất tại tầng 1 nhân (x) với số m² đất xây dựng vi phạm. Thông tư cũng quy định rõ, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xác định giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được duyệt, sai quy hoạch hoặc sai thiết kế đô thị được duyệt.

Bồi thường nếu ảnh hưởng nhà hàng xóm

Thông tư 02 quy định, tổ chức, cá nhân khi thi công xây dựng gây lún, nứt, hư hỏng công trình lân cận (bao gồm cả công trình hạ tầng kỹ thuật); có nguy cơ làm sụp đổ hoặc gây sụp đổ công trình lân cận thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định, đồng thời bị ngừng thi công xây dựng để bồi thường thiệt hại. Cụ thể, sau khi biên bản vi phạm hành chính được lập, nếu bên vi phạm và bên bị thiệt hại không tự thỏa thuận được và một bên có đơn yêu cầu thì chủ tịch UBND cấp xã chủ trì việc thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại giữa bên vi phạm và bên bị thiệt hại. Trường hợp thỏa thuận không thành, hai bên thống nhất mời một tổ chức độc lập, có tư cách pháp nhân để xác định mức độ thiệt hại làm cơ sở bồi thường. Trong trường hợp một trong các bên không thống nhất với kết quả do tổ chức giám định đưa ra, bên đó có quyền mời một tổ chức khác và tự chi trả chi phí. Kết quả giám định này là căn cứ để xác định mức bồi thường. Trường hợp bên còn lại không thống nhất với kết quả lần hai, chủ tịch UBND cấp xã quyết định mức bồi thường theo mức trung bình của kết quả giám định lần 1 và kết quả giám định lần 2. Trường hợp bên bị thiệt hại không thống nhất với mức bồi thường thì có quyền khởi kiện tại Tòa án. Trường hợp công trình xây dựng có nguy cơ sụp đổ hoặc gây sụp đổ công trình lân cận thì chủ đầu tư có trách nhiệm hỗ trợ tiền di chuyển và thuê chỗ ở tạm thời cho bên bị thiệt hại trong thời gian giải quyết.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ 2-4, thay thế Thông tư số 24/2009/TT-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Nghị định 23/2009/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng (hiện NĐ 23/2009 đã được thay thế bởi QĐ 121/2013 của Chính phủ).

HÀ PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục