Câu chuyện về cô nữ sinh gốc Việt Diane Trần bị Tòa án ở quận Montgomery, bang Texas, tuyên án tù 1 ngày, đóng phạt 100 USD vì bỏ học đã gây xôn xao nước Mỹ thời gian qua. Trần đã nghỉ học 18 ngày trong niên học năm nay, trong khi luật pháp bang quy định học sinh chỉ được phép vắng mặt 10 buổi trong 6 tháng.
Trước sức ép của dư luận, tòa án đã bãi bỏ bản án dành cho Diane Trần và đồng ý xóa hồ sơ tội phạm trong hồ sơ lý lịch cá nhân của cô để khỏi ảnh hưởng tới tương lai.
Vì cha mẹ ly hôn, cuộc sống gia đình khó khăn khiến Trần làm việc cả ngày tại một tiệm giặt ủi và làm thêm theo giờ cho một công ty tổ chức tiệc cưới. Công việc này giúp cô có thêm tiền để nuôi em, nhưng cũng khiến Trần bị kiệt sức và không thể đi học đủ số ngày quy định. Hàng trăm người thương cảm trước câu chuyện của Trần, họ kêu gọi quyên góp số tiền lên đến 100.000 USD. Với số tiền này, cô gái 17 tuổi có thể nghỉ ít nhất một trong hai công việc hoặc cả hai để đảm bảo sức khỏe cho việc học, nhưng Trần đã từ chối với lý do: “Ở ngoài kia, còn nhiều trẻ em cần số tiền này hơn em”.
“Câu chuyện của Diane Trần chính là câu chuyện của nhiều gia đình Đông Nam Á tại Mỹ”, đó là nhận định của C.N.Le, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á tại Trường Đại học Massachusetts. Chuyện này cũng khá phổ biến tại những gia đình gốc Á phải rời bỏ quê hương vì nhiều lý do. Đây cũng là sự thật phũ phàng tại quốc gia giàu nhất thế giới.
Người châu Á vốn nổi tiếng cần cù, tháo vát nhưng sự khác biệt về văn hóa, lối sống, tiếng Anh không thông thạo, trình độ giáo dục thấp đã đẩy nhiều gia đình gốc Á gặp khó khăn kinh tế khi nhập cư vào Mỹ. Có đến 14% người gốc Á tại Mỹ đang sống ở mức nghèo đói, thất nghiệp. Do khủng hoảng kinh tế, từ năm 2009 đến nay, mức thu nhập trung bình gia đình gốc Á giảm hơn 3,4%, giảm nhiều hơn so với những chủng tộc khác. Trên thực tế, người gốc Á tại Mỹ không giàu như mọi người vẫn nghĩ. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, những gia đình châu Á giàu có tại Mỹ chỉ thuộc hàng thiểu số trong khi tỷ lệ người nghèo chiếm đa số.
Do khó khăn về tài chính, số trẻ em gốc Đông Nam Á được nhập học tại các trường trung học tại Mỹ liên tục suy giảm. Có đến 1/3 sinh viên gốc Á không thể tốt nghiệp đúng hạn vì nợ tiền học phí. Họ phải rất vất vả kiếm thêm nhiều công việc khác để trang trải tiền sinh hoạt phí lẫn học phí hàng tháng. Nói đến đây, hẳn nhiều người thắc mắc vậy đâu là giá trị đích thực của việc nâng cao giáo dục trong các gia đình gốc Á? Câu chuyện “Mẹ hổ” của một gia đình giàu có gốc Á huấn luyện con trở thành sinh viên giỏi tại trường đại học danh tiếng của Mỹ, hay những học sinh gốc Á tiêu biểu trong các trường học ở Mỹ hiện vẫn chiếm tỷ lệ không cao.
Từ câu chuyện của Diane Trần mới thấy rằng một xã hội đa chủng tộc như nước Mỹ quả không phải là thiên đường cho những người chưa được trang bị những kỹ năng cần thiết để hội nhập. Sự hấp tấp, vội vàng của phần đông những người nhập cư đã góp phần tạo thêm những bi kịch trong xã hội vốn đã rất phức tạp.
THANH HẰNG