Không ràng buộc trách nhiệm - khó liên kết vùng đô thị TPHCM

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng TPHCM đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2076/QĐ-TTg. 
Theo đó, xác định phát triển vùng đô thị TPHCM theo mô hình tập trung - đa cực; trong đó, phát triển TPHCM với vị thế là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, có vai trò liên kết và hỗ trợ các đô thị trong vùng cùng phát triển.
Là một trong những chuyên gia giàu kinh nghiệm, đã tham gia lập và theo sát hoạt động triển khai thực hiện quy hoạch từ nhiều năm qua, ông Hoàng Minh Trí, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, cho rằng nếu không có cơ chế ràng buộc trách nhiệm rõ ràng, nghiêm túc, thì vùng đô thị TPHCM khó liên kết để cùng phát triển. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trò chuyện với ông Hoàng Minh Trí về ý kiến này.
Trì kéo lẫn nhau
* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, tại sao ông lại có nhận định như trên?
- Ông Hoàng Minh Trí: Đây là điều tôi rút ra từ thực tế. Đầu năm 2014, tôi cùng một cán bộ lãnh đạo của Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM được giao nhiệm vụ đi Đồng Nai dự cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện đồ án Quy hoạch xây dựng vùng TPHCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2008 (Đồ án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017 là đồ án quy hoạch điều chỉnh quy hoạch này - PV).
Cuộc họp đầu tiên về nội dung này do Bộ Xây dựng chủ trì cùng với 8 địa phương trong vùng TPHCM, kể từ khi đồ án quy hoạch xây dựng vùng được phê duyệt. Thế nhưng tại cuộc họp, mọi người nhận ra rằng, những nội dung về liên kết vùng gần như chưa được thực hiện. Lý do có nhiều nhưng cơ bản nhất là chưa có “nhạc trưởng” cho cả vùng. Do đó, các địa phương đều “mạnh ai nấy làm”, thậm chí cạnh tranh và trì kéo lẫn nhau  
Không ràng buộc trách nhiệm - khó liên kết vùng đô thị TPHCM ảnh 1 Xa lộ Hà Nội kết nối giao thông TPHCM với tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu trong vùng đô thị TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ
* Những vấn đề nào có thể đưa ra để chứng minh cho nhận định này, thưa ông?
- Có khá nhiều, đơn cử như việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành. Ngay trong đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM được phê duyệt năm 1998, có kế thừa nhiều nghiên cứu trước kia về quy hoạch phát triển đô thị như quy hoạch xây dựng TPHCM được phê duyệt năm 1993… đã xác định xây dựng sân bay này.
Nếu ngay thời điểm đó, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, các địa phương… có động thái để chuẩn bị cho việc xây dựng sân bay Long Thành thì đến giờ có lẽ sân bay này đã hình thành và việc quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất đã được hạn chế.
Hay như việc hình thành cụm cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng được xác định từ những năm 2000. Nếu lúc đó, các bộ ngành tập trung nguồn lực cho cụm cảng ở đây thì đã không xảy ra tình trạng quá tải ở cảng Cát Lái (TPHCM). Hiện hệ thống giao thông kết nối tới khu cảng Cái Mép - Thị Vải vẫn chưa hoàn chỉnh vì những bất cập này và do đó khu cảng này vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. Không phải tốn quá nhiều nguồn lực để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ở hai điểm nóng là sân bay Tân Sơn Nhất và khu cảng Cát Lái, TPHCM đã có thể đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ, xây dựng các trung tâm tài chính, ngân hàng… như mong muốn.
Hay như việc bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai, dù đã hình thành Ủy ban Bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai, song tình trạng ô nhiễm vẫn diễn ra. Nhiều địa phương đầu nguồn vẫn để nước thải công nghiệp chưa được xử lý đạt chuẩn đổ ra sông. TPHCM là địa phương cuối nguồn đang phải gánh chịu hậu quả này. 
Cần vai trò chủ trì của Chính phủ
* Bất cập này đã được giải quyết như thế nào trong đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng vùng TPHCM vừa được phê duyệt?
Ngay trong buổi họp kiểm điểm tình hình thực hiện đồ án Quy hoạch xây dựng vùng TPHCM được phê duyệt năm 2008 mà tôi đề cập ở trên, nhiều chuyên gia cũng như đại diện nhiều địa phương đã đề nghị phải có một cơ chế hữu hiệu để các địa phương thực sự liên kết với nhau. Tuy nhiên, tranh cãi mãi… không ra.
Mô hình tương tự mô hình hoạt động của Ủy ban Bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai (chủ tịch UBND các địa phương thay phiên nhau làm chủ tịch ủy ban) cũng đã được bàn tới nhưng không nhận được sự đồng tình, ủng hộ. Bởi với mô hình này, Ủy ban Bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai đã hoạt động không hiệu quả. Lãnh đạo các địa phương đều “bằng vai” với nhau, chưa kể họ còn trách nhiệm nặng nề với địa phương của mình nên rất khó để họ đưa ra các quyết định liên kết, nếu quyền lợi của địa phương mình bị “sứt mẻ”…
Nhiều chuyên gia đã đề nghị mô hình Ủy ban vùng nhưng cũng không được chấp thuận với lý do bộ máy hành chính của mình không có cơ quan này. Đến nay, đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng vừa được Thủ tướng phê duyệt năm 2017 cũng không nhắc tới giải pháp nào để các địa phương trong vùng có thể liên kết với nhau để cùng phát triển.
*Vậy ông dự báo như thế nào về việc thực hiện đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng TPHCM lần này? 
Nếu không có cơ chế thích hợp để tổ chức thực hiện, nhiều khả năng đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng TPHCM lần này sẽ “trôi” đi như đồ án Quy hoạch xây dựng vùng được duyệt trước đó. Và đó sẽ là điều rất đáng tiếc bởi theo tôi, chỉ cần thực hiện được khoảng 50% nội dung của đồ án Quy hoạch xây dựng vùng TPHCM được phê duyệt năm 2008 thì “bộ mặt” vùng TPHCM, đặc biệt TPHCM sẽ rất khác. Ít ra, TPHCM sẽ không đối mặt với vấn nạn ùn tắc giao thông và ngập nước gay gắt như hiện nay.
* Theo ông, mô hình nào, cơ chế nào để thực hiện đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng TPHCM này? 
Ủy ban vùng hay Ban chỉ đạo vùng… tên gì cũng được, nhưng nhất định phải có sự điều phối của Chính phủ. Cần thiết phải có một Phó Thủ tướng được giao nhiệm vụ lãnh đạo trực tiếp… mới điều phối được các địa phương và bộ ngành liên quan.
Và đặc biệt, như vậy mới đủ thẩm quyền ràng buộc trách nhiệm các địa phương cũng như các bộ ngành liên quan trong việc triển khai thực hiện các nội dung được phê duyệt trong đồ án Quy hoạch xây dựng vùng. Không ràng buộc trách nhiệm, vùng đô thị TPHCM khó liên kết để phát triển theo Quy hoạch xây dựng vùng vừa được phê duyệt.
Vùng TPHCM phát triển theo mô hình tập trung - đa cực
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng vùng TPHCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2076/QĐ-TTg ngày 22-12-2017 xác định phát triển vùng TPHCM theo mô hình tập trung - đa cực. Trong đó, phát triển TPHCM với vị thế là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, có vai trò liên kết và hỗ trợ các đô thị trong vùng cùng phát triển. TPHCM cũng được xác định là trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia, trung tâm văn hóa, tri thức sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, công nghiệp công nghệ cao tầm khu vực, trung tâm du lịch, tài chính - thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế.
Hệ thống đô thị trong tiểu vùng đô thị trung tâm sẽ được đầu tư nâng cao chất lượng đô thị, cấu trúc đô thị hài hòa với cảnh quan tự nhiên, ưu tiên hình thành các vùng không gian xanh. Phát triển các đô thị nén, hạn chế mở rộng, đặc biệt tại các khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Quy hoạch cũng đặt ra yêu cầu sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế phát triển theo mô hình đô thị lan tỏa.
Theo đồ án, tổng diện tích toàn vùng khoảng 30.404km2, bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TPHCM và 7 tỉnh lân cận là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang.
Dân số vùng đến năm 2030 khoảng 25 triệu người; trong đó dân số đô thị khoảng 18-19 triệu người, dân số nông thôn khoảng 6-7 triệu người, lực lượng lao động khoảng 18-19 triệu người.
Đất xây dựng đô thị đến năm 2030 khoảng 270.000 -  290.000ha, bình quân 100 - 150m2/người. Đất xây dựng điểm dân cư nông thôn đến năm 2030 khoảng 150.000 - 170.000ha, bình quân 180 -210m2/người.
Cũng theo quy hoạch, tiểu vùng phía Đông gồm tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu và phần còn lại phía Đông của tỉnh Đồng Nai là cửa ngõ giao thương quốc tế của cả vùng và quốc gia thông qua Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Cảng biển trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải.
Tiểu vùng phía Bắc - Tây Bắc gồm tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và một phần của tỉnh Bình Dương sẽ phát triển chức năng về thương mại - dịch vụ, du lịch văn hóa lịch sử và du lịch sinh thái, duy trì và bảo vệ hệ sinh thái rừng và bảo vệ nguồn nước, bảo đảm phát triển cân bằng sinh thái cho toàn vùng.
Tiểu vùng phía Tây Nam gồm tỉnh Tiền Giang và một phần tỉnh Long An sẽ phát triển chủ yếu về công nghiệp chế biến nông, thủy sản, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cảng; nghiên cứu về công nghệ sinh học cấp quốc gia, nông nghiệp chuyên canh lúa, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hoàn thành quy hoạch 1/2000 Khu liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc trước ngày 31-5
UBND TPHCM vừa giao Sở Văn hóa và Thể thao làm chủ đầu tư lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu liên hợp Thể dục Thể thao (TDTT) quốc gia Rạch Chiếc quận 2 trước ngày 31-5-2018.
Được biết, dự án Khu liên hợp TDTT Rạch Chiếc có chủ trương đầu tư từ năm 1994. UBND TPHCM quyết định xây dựng dự án trên diện tích tổng thể 222ha; trong đó 180ha sẽ dùng đầu tư vào các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật, phần còn lại dành cho các doanh nghiệp tư nhân đấu thầu đầu tư vào công trình phức hợp nằm trong khuôn viên của khu liên hợp. Sau 20 năm “trùm mền”, dự án này đã được tái khởi động để phục vụ SeaGames 31.
Mới đây, UBND TPHCM cũng chấp thuận giữ nguyên vị trí, giới hạn phạm vi Khu liên hợp TDTT Rạch Chiếc với diện tích khoảng 180ha với các hạng mục chính: khu luyện tập, nhà thi đấu bóng đá trong nhà, bóng chuyền, bóng rổ, văn phòng điều hành, khu lưu trú vận động viên, nhà ăn tập thể… Tổng vốn đầu tư của dự án dự kiến 34.000 tỷ đồng.
MINH HUY

Tin cùng chuyên mục