(SGGP). – Không tặng quà, biểu trưng, biểu tượng (logo), không tổ chức chiêu đãi… trong các lễ kỷ niệm lớn, đó là một trong những quy định trong Nghị định 145/2013/NĐ-CP về tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài vừa được Bộ VH-TT-DL họp báo công bố.
Nghị định cũng quy định cụ thể các nghi lễ theo hướng trang trọng, ngắn gọn và giảm thiểu những hình thức rườm rà, tốn kém như “tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu ngắn gọn, trang trọng; trình bày diễn văn hoặc báo cáo. Chỉ “kính thưa họ tên và chức danh” lãnh đạo có chức vụ cao nhất. Trang phục trong các buổi lễ cụ thể: “Khuyến khích khách mời, đại biểu và quần chúng dự lễ mặc trang phục dân tộc, lễ phục tôn giáo, lễ phục lực lượng vũ trang”; hoặc “Không dùng phù hiệu, “nơ”, hoa cài ngực…”. Nghị định cũng chỉ rõ các đại biểu dự lễ hát quốc ca. Giải thích thêm về quy định này, người phát ngôn Bộ VH-TT-DL Phan Đình Tân cho rằng việc hát quốc ca thể hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Từ ngày 16-12-2013, khi nghị định chính thức có hiệu lực sẽ chấm dứt việc hát quốc ca qua các bản thu âm sẵn như đã diễn ra trước đây.
Cũng theo nghị định, tần suất, quy mô và cấp độ các ngày lễ, kỷ niệm; tiếp lễ tân khách nước ngoài tại Việt Nam sẽ giảm nhiều. Theo nghị định này, một năm sẽ có 9 ngày lễ lớn: Tết Nguyên đán 1 tháng giêng (âm lịch), ngày thành lập Đảng 3-2, giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 (âm lịch), ngày thống nhất đất nước 30-4, ngày chiến thắng Điện Biên phủ 7-5, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Sẽ chỉ tổ chức lễ cấp quốc gia vào các năm tròn, năm chẵn. Việc kỷ niệm ngày sinh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã từ trần lần đầu tiên được thực hiện vào dịp tròn 100 tuổi; các đồng chí thọ trên 100 tuổi được thực hiện vào dịp tròn 110 năm, hoặc 120 năm ngày sinh. Các lần tiếp theo tổ chức 10 năm/lần với cấp độ nhỏ hơn lần đầu...
MAI AN