Ngày 26-7, ngày thứ hai và cũng là ngày cuối của Hội thảo quốc tế về biển Đông được tổ chức tại Đại học Tôn Đức Thắng. Nội dung chính được các học giả đề cập là quản lý tranh chấp, cách thức ngăn ngừa các sự cố có thể leo thang căng thẳng và giúp đỡ ngư dân bám biển.
Trong đó, nội dung quản lý tranh chấp nhận được sự quan tâm đặc biệt của các học giả với nhiều quan điểm được đưa ra. Mở đầu, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales (Australia) đã tóm tắt bài tham luận của học giả Cao Qun (Trung Quốc) gửi đến hội thảo. Với tiêu đề “Trường hợp của Philippines và CHND Trung Hoa trước khi Tòa án trọng tài xử theo phụ lục VII của UNCLOS - Quan điểm của một người Trung Quốc”, bản tham luận của học giả Cao Qun ngang nhiên bác bỏ mọi điều chỉnh của Công ước LHQ về Luật Biển mà vin vào một lý luận của cái gọi là đường 9 đoạn do chính quyền Tưởng Giới Thạch tuyên bố năm 1947. Học giả này xem đó là tư liệu lịch sử, một vấn đề liên quan tới chủ quyền và không bị chi phối bởi UNCLOS. Với lập luận có thể gọi là vô lý này, học giả Cao Qun cho rằng việc Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa án trọng tài là vi phạm nguyên tắc bất hồi tố (?).
Tiếp theo, học giả Renato De Castro, đến từ ĐH De La Salle, Philippines, đã trao đổi lý do vì sao Philippines khởi kiện Trung Quốc. Theo ông Renato De Castro, trong các cuộc đàm phán song phương, Trung Quốc ngang ngược yêu cầu Philippines phải chấp nhận sự chiếm đóng của Bắc Kinh tại bãi cạn Scarborough (phía Trung Quốc gọi là Hoàng Nham). Suốt 17 năm Manila theo đuổi đối thoại với Bắc Kinh, đáp lại, Trung Quốc một mực khẳng định “chủ quyền không thể chối cãi” ở Scarborough/Hoàng Nham.
Chính điều này đã dồn ép Philippines phải kiện Trung Quốc. Theo ông Renato De Castro, Trung Quốc đã dựa vào lập luận hoang đường và có cách hành xử hung hăng để chiếm bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham một cách trắng trợn. “Đưa tranh chấp ra tòa án quốc tế, Philippines sẵn sàng chấp nhận mọi phán quyết của tòa án quốc tế. Cái chính là Trung Quốc có mong muốn cộng tác với cộng đồng quốc tế hay không? Không thể áp dụng luật rừng. Dù là siêu cường cũng phải tôn trọng luật pháp quốc tế”, ông Renato De Castro nhấn mạnh.
Trả lời PV Báo Sài Gòn Giải Phóng bên lề hội nghị, học giả Hitoshi Nasu, giảng viên cấp cao ĐH Luật, ĐH Quốc gia Australia, cho rằng bên cạnh giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại Việt Nam đang thực hiện rất tốt thời gian qua, sử dụng đến công cụ pháp lý cũng là một lựa chọn Chính phủ Việt Nam có thể cân nhắc. Theo ông Nasu, cộng đồng quốc tế hiện đặc biệt quan tâm đến tranh chấp lãnh thổ bởi đây là vấn đề quan trọng có thể ảnh hưởng đến an ninh của khu vực và thế giới. “Sự kiện Philippines đưa Trung Quốc ra tòa được nhiều quan tâm cũng vì điều này”, ông Nasu cho biết.
Trong khi đó, khi được PV Báo SGGP hỏi về quan điểm về bản đồ khổ dọc 10 đoạn mới của Trung Quốc, Giáo sư Carl Thayer cho hay, ông thật sự không hiểu Trung Quốc vẽ bản đồ này để làm gì. “Nó không có tính nhất quán, lúc 9 đoạn, lúc 11 đoạn và giờ là 10 và có thể là nhiều đoạn sắp tới. Hoàn toàn không có giá trị pháp lý”, ông Carl Thayer nói. Nhiều học giả còn cho rằng thậm chí ngay cả người Trung Quốc cũng không biết đường 9 đoạn là gì.
Theo ông Carl Thayer, tấm bản đồ mới được in ra không nằm ngoài mục đích “gây hấn”, giống theo cái cách mà Bắc Kinh đã từng làm là in bản đồ lên hộ chiếu. Trao đổi về động thái rút giàn khoan Hải Dương-981 mà Trung Quốc đặt trái phép tại khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trong thời gian qua, Giáo sư Carl Thayer nhận định những giàn khoan kiểu đó sẽ quay trở lại trong thời gian tới nhưng sẽ không chỉ trong vùng biển Việt Nam mà sẽ ở nhiều vùng biển của các quốc gia trong khu vực.
Nhận định về việc nếu Việt Nam khởi kiện Trung Quốc, Giáo sư Carl Thayer cho biết: “Các bạn có các bằng chứng lịch sử rõ ràng về chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lịch sử lâu đời của Việt Nam đã ghi chép rõ ràng về việc này. Các bạn nên nắm lấy ưu thế”.
ĐỖ CAO