Không thể giấu dịch

 Nếu năm 2017, nông nghiệp Việt Nam lao đao vì sự cố “khủng hoảng thừa”, thì năm 2018 lại tràn ngập tin vui, hứa hẹn đầy hy vọng khi có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và sản phẩm chăn nuôi bắt đầu vượt khỏi thị trường nội địa, tham gia xuất khẩu. 
Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở giết mổ heo không phép
Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở giết mổ heo không phép

Báo cáo tổng kết ngành nông nghiệp năm 2018 của Bộ NN-PTNT tại hội nghị do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, nêu rõ: Chăn nuôi công nghiệp công nghệ cao có xu hướng phát triển mạnh. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mạnh cho lĩnh vực chăn nuôi, áp dụng công nghệ cao hoặc chăn nuôi theo chuỗi. Các địa phương đã xây dựng được nhiều mô hình liên kết, sản xuất thịt heo theo chuỗi khép kín phục vụ thị trường trong nước và định hướng xuất khẩu ở Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, TPHCM… Nhiều doanh nghiệp lớn như: TH, Dabaco, Thái Dương, Hòa Phát, Hùng Vương… xây dựng các trang trại chăn nuôi quy mô lớn (chưa kể rất nhiều doanh nghiệp FDI hiện đang đầu tư vào chăn nuôi và xuất khẩu sản phẩm thịt, chế biến thực phẩm tại Việt Nam).

Mặc dù chăn nuôi đang dần chuyển mình sang mô hình công nghiệp, khép kín nhưng Bộ NN-PTNT thừa nhận, chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ vẫn còn phổ biến. Đây là hình thức tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh và mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong bối cảnh đó, khi Tết Nguyên đán 2019 đã cận kề thì dịch cúm trên gia cầm và dịch lở mồm long móng trên heo (làm gia súc chết bất thường) lại bùng phát sau nhiều năm không có dịch bệnh nguy hiểm. Điều đáng nói là vào khoảng đầu tháng 12-2018, đã có thông tin heo chết bất thường tại các xã của huyện Ba Vì (Hà Nội) nhưng lại không có đơn vị nào chủ động công bố thông tin hay công bố dịch. Báo chí vào cuộc, cơ quan chức năng khẳng định đã dập được dịch nên không công bố dịch. Rồi sau đó 1-2 tuần thì dịch đã lây lan ra nhiều huyện khác của Hà Nội, rồi tiếp tục lan ra các tỉnh khác như Hòa Bình, Bắc Ninh, Hà Nam, Yên Bái, Hà Tĩnh.

Nếu không kịp thời công bố, dịch bệnh có thể lây lan ra nhiều địa phương khác nữa. Nhiều nơi bà con nông dân cho biết có heo bị chết. Cơ chế lây lan virus chủ yếu là do vận chuyển, mua bán. Nếu công bố dịch, thông tin rõ thì chắc chắn bà con sẽ cảnh giác hơn. Tuy nhiên, cơ quan chịu trách nhiệm về giám sát và triển khai ngăn chặn dịch là Cục Thú y lại thờ ơ, vào cuộc rất chậm, tận những ngày cuối cùng của tháng 12-2018 mới triển khai. Cục trưởng Cục Thú y không nhận trách nhiệm mà đổ lỗi cho nông dân vì giấu dịch nên phát hiện muộn, để dịch lây lan. Tại cuộc họp báo mới đây, số liệu mà Cục Thú y đưa ra là có 2.388 heo chết (chủ yếu là heo thịt) vì bệnh lở mồm long móng, cả nước đang có 24 ổ dịch. Thực tế số lượng heo chết có thể nhiều hơn do thống kê không hết được. Gia súc, gia cầm chết thì người chăn nuôi chịu thiệt hại nặng nề, cả gia tài sau một năm khổ cực giờ mất hết. Chưa kể, nếu để dịch bung ra thành đại dịch thì ngay cả các doanh nghiệp lớn cũng bị ảnh hưởng. Rồi sức khỏe của người tiêu dùng cũng bị đe dọa nếu mua phải thịt heo có bệnh. Heo chết nhiều, thực phẩm sẽ khan thiếu, giá cả leo thang.

Nếu thông tin kịp thời, công bố rõ khu vực nào có dịch, khu vực nào vẫn an toàn sẽ giúp chính quyền các địa phương cũng như chính người chăn nuôi chủ động lập phương án phòng trừ, cô lập, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, bảo vệ sản phẩm chăn nuôi của mình. Bản thân người tiêu dùng cũng yên tâm hơn, chủ động hơn. Còn nếu tiếp tục giấu dịch để trốn tránh trách nhiệm, giữ tiếng tốt cho ngành, cho cá nhân người làm quản lý thì hậu quả thật khôn lường.

Tin cùng chuyên mục