(SGGPO).- Sáng 16-3, Báo Tiền phong và Đại học Văn Hiến phối hợp tổ chức tọa đàm “Chống xâm hại tình dục trẻ em” tại TPHCM với sự tham dự của chuyên gia tâm lý, luật sư, bác sĩ, đại diện công an, trường học...
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đã mổ xẻ vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em đang gây hoang mang, lo lắng trong dư luận xã hội. Theo số liệu từ Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH), trung bình mỗi năm, Việt Nam có hơn 2.000 vụ xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em, trong đó chiếm 70% là xâm hại tình dục. Nhưng đây cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm và còn có nhiều vụ việc không bị phát hiện, tố cáo.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Khánh Bình
“Đã đến lúc chúng ta không thể im lặng trước thực trạng đau lòng này và phải tìm cách phòng chống, ngăn chặn, xử lý nghiêm tội ác này”. Đó là thông điệp của buổi tọa đàm và tất cả ý kiến của chuyên gia, các nhà hoạt động xã hội đều kiến nghị pháp luật phải sớm điều chỉnh và xử lý nghiêm nạn xâm hại tình dục trẻ em.
Theo PGS.TS Trần Thị Kim Xuyến - ĐH Văn Hiến, xã hội đang bất bình, phẫn nộ và tội ác này đang gia tăng là do nhiều việc nghiêm trọng xảy ra nhưng không được cơ quan pháp luật xử đến nơi đến chốn. Điều này cũng tiếp tay cho tội ác này đang gia tăng đến mức báo động. Ngoài tâm lý ngại lên tiếng vì xem đây là vấn đề nhạy cảm, khó nói thì bệnh thành tích cũng đang che đậy sự thật nhức nhối này.
Không chỉ cảnh báo nỗi đau, di chứng mà nạn nhân phải mang suốt đời, các ý kiến cho rằng “nhiều cơ quan chức năng còn thờ ơ, chưa vào cuộc khiến nhiều người mẹ, người cha dường như đơn độc. Họ gần như kiệt sức vác đơn đi cầu cứu hết nơi này đến nơi khác mà không thể đòi lại công bằng”.
Dẫn chứng những câu chuyện đau lòng về tội ác hiếp dâm, dâm ô, TS Phạm Thị Thúy nói rằng sự bế tắc, sự đau khổ kéo dài của các nạn nhân, gia đình nạn nhân khiến họ mất niềm tin vào công lý. Chính vì thế, nhiều chuyên gia, luật sư đề nghị cần điều chỉnh các quy định pháp lý cho phù hợp với tình hình thực tế, đời sống xã hội có nhiều thay đổi, biến động.
Để phòng chống nạn xâm hại tình dục đang có chiều hướng gia tăng, các chuyên gia tâm lý, bác sĩ nhắn nhủ các bậc phụ huynh: “Hãy dạy cho trẻ biết cách tự phòng vệ trước nguy cơ bị xâm hại. Khi trẻ bị xâm hại thì phải dạy cho trẻ biết cách tố cáo hành vi này để người lớn phối hợp với cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo vệ trẻ em đưa vụ việc ra ánh sáng".
Khánh Bình
- Thông tin liên quan:
- Nâng ý thức, trách nhiệm chống xâm hại tình dục trẻ em
- Phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em