Nhân dịp tưởng niệm 50 năm ngày Mỹ bắt đầu chương trình chiến tranh hóa học Việt Nam, nhiều tờ báo của Mỹ đã có những bài viết lên án những bất công trong việc đối xử với nạn nhân chất độc da cam. Cô Breanna Wilhelmi, sinh viên Đại học California, đã có bài viết khá cảm động trên trang web của Trung tâm Truyền thông độc lập khu vực Vịnh San Francisco. Chúng tôi xin trích giới thiệu cùng bạn đọc.
Là con gái của một cựu binh tham chiến tại Việt Nam và là bạn của vô số người bị ảnh hưởng của chất độc da cam, tôi có thể nói rằng sự trợ giúp và quan trọng hơn là nhận thức về vấn đề này của Chính phủ Mỹ là quá ít. Các hóa chất chứa chất dioxin gây chết người đã được rải trên hơn 20.000 ngôi làng ở nồng độ cao gấp 50 lần mức bình thường sử dụng nông nghiệp.
Điều đáng nói là cư dân ở các khu vực trước đây bị phun thuốc và những người tiếp xúc trực tiếp với hóa chất này cũng biểu hiện bệnh giống như các cựu chiến binh Mỹ, chẳng hạn như các loại bệnh ung thư, thai chết lưu, sẩy thai, quái thai, tàn tật, triệu chứng tâm thần và sự phát triển không bình thường.
Đó chỉ là một vài trong vô số tổn hại truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác của hàng triệu người Việt Nam và con em cựu chiến binh Mỹ. Nhưng những người muốn đòi lại quyền lợi cho các nạn nhân như vậy phải đi qua một quá trình lâu dài, quan liêu, đầy thủ tục giấy tờ nhưng ít các nguồn lực xã hội.
Cả ở Việt Nam và Mỹ (chưa nói đến Lào và Campuchia), nhiều thế hệ vẫn đang bị ảnh hưởng do hành động của quân đội Mỹ cách đây 50 năm. Trong giới cựu chiến binh và cả con cháu của họ, cụm từ “từ chối, từ chối, từ chối cho đến khi họ chết” đã trở thành cách để hiểu phản ứng của Chính phủ Mỹ trước vô số trường hợp phơi nhiễm chất độc da cam.
Hiện tại, không có một trung tâm nghiên cứu hay hỗ trợ nào do Chính phủ Mỹ tài trợ để giúp con cháu các cựu binh Mỹ bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam cũng như các nạn nhân người Việt và người Mỹ gốc Việt. Những người như chúng tôi đang sống để chứng kiến sự phủ nhận của chính phủ đối với nỗi đau mà chính những nhà lãnh đạo chính phủ gây ra. Chúng tôi tự hứa với chính mình, với cộng đồng và với con cháu chúng tôi rằng chúng tôi sẽ không ngồi yên để mặc cho sự phớt lờ và thờ ơ trước nỗi đau này.
Cô Wilhelmi viết tiếp: Đối với hàng triệu người như chúng tôi, cuộc chiến tranh ở Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Dường như bài học này chưa được học nên chiến tranh lại tiếp tục ở Iraq và Afghanistan. Thế hệ cha anh chúng tôi đã bị chính phủ chối bỏ trách nhiệm về việc làm sai trái của mình, thế hệ chúng tôi cũng có thể bị như vậy và thế hệ con cháu chúng tôi cũng vậy.
Là con của cựu binh sinh ra trong thời bình, tôi có thể mường tượng ra rằng nỗi đau (của các nạn nhân chất độc da cam) sẽ kéo dài hơn cả cuộc đời của tôi. Tôi được biết rằng vào ngày 25-7 vừa qua, dân biểu Mỹ Bob Filner và một số thành viên của đảng Dân chủ trong Ủy ban Cựu chiến binh của Hạ viện đã giới thiệu dự luật H.R.2634 trước Quốc hội, có tên Điều luật Trợ giúp nạn nhân chất độc da cam 2011.
Dự luật sẽ lập các trung tâm nghiên cứu tác hại của chất độc da cam lên những cựu binh Mỹ và người Mỹ gốc Việt để có hướng điều trị bằng chi phí của chính phủ. Dự luật vẫn đang trong tiến trình bàn thảo. Do đang bận tâm với nền kinh tế ảm đạm, có thể dự luật này không còn là ưu tiên của Quốc hội nhưng dù sao đây cũng là bước tiến quan trọng trong công cuộc giành lại công lý cho các nạn nhân chất độc da cam.
KHÁNH MINH dịch