Bộ Nội vụ vừa đưa ra Dự thảo Nghị định về phân loại, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức để xin ý kiến xã hội. Việc này xuất phát từ những bất cập, khó khăn trong phương pháp đánh giá theo vị trí việc làm. Cụ thể, thời gian qua, hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ vẫn còn thấp, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho biết, thực tế việc đánh giá cán bộ đã có từ lâu. Trong lịch sử đã có những cuộc chỉnh huấn, chỉnh quân, trước mỗi chiến dịch sẽ có cuộc chỉnh quân, mục đích là thấy được những ưu, khuyết trong mọi lĩnh vực. Để chỉnh quân, trước tiên phải làm thế nào để cho mọi người trung thực; mặt khác, những người lãnh đạo phải hướng dẫn như thế nào để những người trung thực đã đành và những người không trung thực cũng phải trở thành trung thực, đó chính là những khâu trong đánh giá, tự phê bình và phê bình.
Bấy lâu nay, chúng ta làm vấn đề này rất thường xuyên và đúng quy trình, nhưng rõ ràng không mấy tác dụng, tác dụng kém, hoặc có tác dụng ở nơi nào đó mà từng thành viên trong tổ chức đó trong sáng. Vấn đề quan trọng nhất là người đứng đầu, cấp ủy, phải là người trong sáng mới có thể đánh giá, nhận xét, vì thực tế sự nể nang, né tránh hiện nay khá phổ biến. “Việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức có sự nể nang, vì kết quả của đánh giá có liên quan tới việc công nhận điều này, điều khác, thăng chức, tăng lương, tái bổ nhiệm, những lợi ích. Và những tâm địa mà không trong sáng thì có quy định đến tỷ mỷ thế nào cũng không giải quyết được vấn đề. Muốn vượt qua trước tiên phải có những người đứng đầu vượt qua được, thẳng thắn, vô tư và trong sạch” - ông Hùng nêu quan điểm và cho rằng, Nhà nước ta làm sao phải nghiên cứu có một quy định riêng cho người đứng đầu không nghiêm chỉnh, không trong sạch, đứng đắn thì cần thay, nếu xử lý được cái “mấu” của vấn đề sẽ đâu vào đó.
Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, cho rằng, việc đánh giá, phân loại cán bộ thời gian qua nảy sinh nhiều vấn đề. Theo ông Vân, trong công tác đánh giá cán bộ cần có 3 chữ “minh”. Thứ nhất, người đứng đầu phải “nhãn minh”, mắt quan sát của người lãnh đạo, người điều hành phải sáng, nhìn nhận đúng người, đúng việc; thứ hai, “tuệ minh”, lãnh đạo phải có cái đầu ngang tầm với nhiệm vụ của mình, để đánh giá được, nhận xét được xu hướng, triển vọng của cấp dưới, khách quan, trong sáng, không để tình trạng biết thừa trong bụng người đó là người tài, nhưng chỉ vì không nịnh nọt sinh ra ghét người tài, tìm mọi cách để loại; thứ ba, “tâm minh”, bản thân người lãnh đạo, quản lý phải có tấm lòng vì nước, vì dân, vì Đảng, đặt vấn đề này làm trụ cột mới có thể chi phối “nhãn minh” và “tuệ minh”.
Hiện nay có nhiều tiêu chí để đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức, nhưng bộ tiêu chí đánh giá hiệu suất công việc (KPI) đang được các doanh nghiệp lựa chọn và mang lại hiệu quả đánh giá tốt. Việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, phân loại như thế nào còn phụ thuộc vào môi trường công vụ. Bộ tiêu chí đánh giá KPI gồm một số tiêu chí như đánh giá về năng lực, trong đó có năng lực trí tuệ được thể hiện qua nhận thức, yêu cầu công việc, nhận thức nhiệm vụ người được giao và đảm nhiệm, tiêu chí cụ thể do người đứng đầu cơ quan Nhà nước đặt ra phù hợp với môi trường làm việc. Với những chức danh bầu cử thì bộ tiêu chí đánh giá đó là những cam kết, kế hoạch, những chương trình hành động người đó cam kết với nhân dân. Ví dụ, bộ trưởng mỗi nhiệm kỳ phải có chương trình hành động thể hiện qua lộ trình thực hiện từng năm, từng năm đó phải báo cáo Chính phủ, Quốc hội về việc thực hiện cam kết của mình. Còn khi sự việc đổ bể và nhận trách nhiệm chung chung thì không phải là cách đánh giá tốt, mọi công việc phải có định lượng cụ thể. Làm được các tiêu chí trên sẽ có 3 ý nghĩa: chặn đứng được tình trạng chạy chọt để luồn lách trong việc đánh giá, phân loại cán bộ để đề bạt, bổ nhiệm; buộc người có trách nhiệm, có thẩm quyền phải nhìn nhận khách quan, đưa vào kiểm chứng, đó là căn cứ để đánh giá cán bộ chính xác; tạo ra nền nếp làm việc, chú trọng tới chất lượng, thúc đẩy quá trình chuẩn hóa từ lượng đến chất.
Trách nhiệm và việc làm rõ ai là người đứng đầu trong sáng khi tiến hành đánh giá, phân loại cán bộ là rất quan trọng. Thiết nghĩ, sắp tới công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức cần gắn với việc tinh giản bộ máy để nâng cao chất lượng công việc, hiệu quả, hiệu lực. Các cơ quan, ban, ngành phải xem xét lại nội bộ của mình. Những người có “tỳ vết” nên chuyển công tác khác, những người làm việc liên quan tới người dân phải là những cá nhân đảm bảo được tiêu chuẩn là công chức, viên chức. Hàng năm cần nhận xét, đánh giá thật thẳng thắn, dân chủ, công khai, minh bạch, mỗi người phải đo đếm, định tính, định lượng được công việc mình hoàn thành trong một năm.