(SGGPO).- Tại phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 3-10, liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, qua thẩm tra UBTP tán thành với quan điểm nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Theo đó, sẽ sửa đổi, bổ sung tối đa các sai sót đã được phát hiện; không làm thay đổi các chính sách lớn của BLHS đã được Quốc hội thông qua.
Đề nghị Quốc hội xem xét trong 2 kỳ họp
Theo giải trình của Chủ nhiệm UBTP trước UBTVQH, đa số thành viên UBTP đề nghị UBTVQH trình Quốc hội cho phép thông qua dự án Luật tại 2 kỳ họp (tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội thảo luận cho ý kiến và tại Kỳ họp thứ 3 thông qua).
Một lý do quan trọng là dự án Luật bao gồm rất nhiều vấn đề liên quan đến sửa đổi, bổ sung 141 Điều của BLHS năm 2015 (việc phải sửa đổi, bổ sung số điều luật lớn như vậy là do một số trường hợp có khi chỉ sửa sai sót một lỗi kỹ thuật, nhưng sẽ liên quan và phải sửa đổi nhiều điều luật để bảo đảm thống nhất). Hồ sơ dự án Luật được gửi tới cơ quan chủ trì thẩm tra (UBTP) và các cơ quan của Quốc hội (phối hợp thẩm tra) quá gấp (UBTP nhận được hồ sơ dự án Luật ngày 23-9-2016), nên chưa đủ thời gian để nghiên cứu thật sâu, đồng thời các Đại biểu Quốc hội và Đoàn Đại biểu Quốc hội cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và đóng góp ý kiến về dự án Luật.
Bên cạnh đó, dự án Luật vẫn còn rất nhiều nội dung liên quan đến định lượng chi tiết thuộc chuyên ngành sâu chưa thống nhất được giữa các bộ, ngành có liên quan như: cách tính tỷ lệ tổn thương cơ thể, định mức xả thải ra môi trường, chỉ số gây ô nhiễm môi trường, việc có hay không giám định hàm lượng chất ma túy, hàng cấm, vũ khí quân dụng… Trong thời gian rà soát các quy định, định lượng chi tiết, nhiều bộ, ngành đã có ý kiến bằng văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều luật của BLHS năm 2015 cho phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp thứ 4, sáng 3-10
Người đứng đầu UBTP cũng nhấn mạnh: “Cần rút kinh nghiệm sâu sắc từ nguyên nhân chính dẫn đến sai sót của BLHS năm 2015 là do sức ép quá lớn về thời gian. Việc tổ chức xin ý kiến nhân dân, chỉnh lý, tiếp thu dự án BLHS năm 2015 chỉ được thực hiện trong thời gian 6 tháng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sai sót của BLHS năm 2015 và phải tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều như hiện nay. Nếu lần sửa đổi này tiếp tục thực hiện trong điều kiện gấp gáp về thời gian thì rất khó đảm bảo chất lượng”.
Nhiều ý kiến khác biệt về tuổi chịu trách nhiệm hình sự
Một trong các vấn đề cụ thể được nêu tại Báo cáo thẩm tra là tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Đây là vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau.
Đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra tán thành với loại ý kiến thứ nhất của Chính phủ, theo đó không xử lý hình sự hành vi “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác”, “hiếp dâm”, “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi thuộc trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng. Những trường hợp này sẽ được xử lý bằng các biện pháp giáo dục khác, giúp các em phát triển lành mạnh và tạo điều kiện cho tương lai của các em. Quy định này bảo đảm phù hợp với chính sách nhân đạo đối với người chưa thành niên phạm tội được thể hiện trong các nghị quyết của Đảng và quan điểm xuyên suốt trong các BLHS từ trước đến nay của Nhà nước ta.
Loại ý kiến này tán thành với quy định của BLHS năm 2015 về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ với một số tội phạm thuộc trường hợp rất nghiêm trọng do cố ý và đặc biệt nghiêm trọng.
Tuy nhiên, ngay trong cơ quan thẩm tra cũng có ý kiến cho rằng, thời gian qua hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong học đường, hiếp dâm, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản do người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện có xu hướng gia tăng, nên cần thiết phải giữ quy định này để giáo dục, cải tạo người phạm tội và nâng cao tính phòng ngừa, răn đe.
Bên cạnh đó, tuy là thiểu số, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong một số tội phạm nhất định như BLHS năm 2015 là chưa phù hợp và không công bằng vì khi họ phạm các tội theo quy định của BLHS là cùng xâm hại một nhóm khách thể; tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi và mức hình phạt quy định trong luật là tương đương nhau nhưng có người bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có người lại không (ví dụ: họ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản, trộm cắp tài sản nhưng lại không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…); dẫn đến không xử lý được hành vi đồng phạm, che giấu tội phạm, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có…
Do đó, ý kiến này đề nghị giữ như quy định của BLHS năm 1999 theo hướng người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tất cả các tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
ANH PHƯƠNG