Khu Công nghệ cao TPHCM xác định chỉ tiêu thực hiện cho kế hoạch năm 2018 gồm: Giá trị thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 600 triệu USD; giá trị sản xuất sản phẩm CNC đạt 14 tỷ USD; tiếp nhận ít nhất 10 dự án, doanh nghiệp vào chương trình ươm tạo chung, thương mại hóa 4 sản phẩm CNC…
Chiều 7-3, đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, đã chủ trì cuộc họp duyệt kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2018 của Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP).
Trưởng ban Quản lý SHTP Lê Hoài Quốc báo cáo kết quả hoạt động năm 2017 Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý SHTP, cho biết thực hiện sứ mệnh trở thành hạt nhân của khu đô thị khoa học Đông Bắc thành phố, SHTP xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018 là thu hút đầu tư vào các khu Saigon Silicon City, khu Không gian khoa học, khu nhà xưởng xây sẵn; xin chủ trương triển khai lựa chọn chủ đầu tư thu hút các dự án mảng xanh và khu nhà lưu trú công nhân rộng 3,05ha. Hỗ trợ, kết nối nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung cứng thiết bị phụ trợ cho các tập đoàn công nghệ toàn cầu, trong đó có Samsung. Tiếp tục nâng cao năng lực nội sinh và giá trị gia tăng trong khu bằng hoạt động nghiên cứu và triển khai, đào tạo nhân lực CNC và ươm tạo các dự án phục vụ chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TPHCM. Xây dựng chiến lược thu hút đầu tư cho Công viên Khoa học công nghệ. Cùng với đó, hoàn thiện đề án thành lập Văn phòng đại diện xúc tiến đầu tư SHTP tại Thung lũng Silicon (Hoa Kỳ).
Trong đó, xác định một số chỉ tiêu cụ thể: Giá trị thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 600 triệu USD; giá trị sản xuất sản phẩm CNC đạt 14 tỷ USD; giá trị giải ngân vốn thực hiện của doanh nghiệp trong SHTP tăng thêm ít nhất 10% của tổng vốn đăng ký đầu tư mới năm 2017; tiếp nhận ít nhất 10 dự án, doanh nghiệp vào chương trình ươm tạo chung và tốt nghiệp cho ít nhất 3 dự án ươm tạo; thương mại hóa 4 sản phẩm CNC…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Lê Thanh Liêm khẳng định vai trò quan trọng của SHTP đối với sự phát triển của TPHCM, thể hiện qua việc đóng góp vào kết quả thu hút đầu tư nước ngoài, nộp ngân sách, tổng giá trị xuất khẩu (chiếm tỷ lệ hơn 30%); đồng thời là đầu tàu lan tỏa các cơ chế mới và giải pháp tạo môi trường đầu tư thông thoáng của thành phố. Ngoài ra, SHTP cũng thể hiện sự phát triển vượt bậc, đi vào chiều sâu với sự cải thiện đáng kể về trình độ lao động, tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm CNC.
Xác định năm 2018 là năm bản lề thực hiện kế hoạch giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, đồng chí Lê Thanh Liêm yêu cầu Ban quản lý SHTP định lượng rõ hơn các chỉ tiêu và có giải pháp triển khai thực hiện với sự đầu tư cao nhất để đạt được. Trong đầu tư xây dựng hạ tầng, phải thực hiện hết sức chuyên nghiệp vì gắn với các quy định pháp luật. Vấn đề an ninh trật tự cũng phải được quan tâm thường xuyên để đảm bảo cho các nhà đầu tư an tâm sản xuất, kinh doanh.
“Đối với kiến nghị của Ban quản lý SHTP (về cơ chế ủy quyền và các dự án đầu tư xây dựng), yêu cầu SHTP tiếp tục đeo bám, phối hợp với các đơn vị sở ngành để hoàn thiện các thủ tục theo hướng dẫn, trình lãnh đạo UBND thành phố xem xét phê duyệt”, đồng chí Lê Thanh Liêm kết luận.
Trước đó, báo cáo kết quả hoạt động của SHTP trong năm 2017, ông Lê Hoài Quốc cho biết, SHTP đã cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho 30 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 754,16 triệu USD, có 10 dự án đang hoạt động điều chỉnh tăng vốn 209,57 triệu USD. Lũy kế đến nay, SHTP có 135 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt hơn 7 tỷ USD. Giá trị sản xuất sản phẩm CNC trong năm ước đạt 11 tỷ USD (tăng 50,39% so với cùng kỳ), trong đó, giá trị xuất khẩu đạt hơn 10,3 tỷ USD, nhập khẩu đạt hơn 9,1 tỷ USD, giá trị gia tăng nội địa đạt 24%.
Dự án Nhà máy Samsung Việt Nam tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG Tuy nhiên, ông Lê Hoài Quốc cũng chỉ ra các khó khăn, hạn chế của hoạt động tại SHTP. Cụ thể, mặc dù các dự án trong nước chiếm đa số (chiếm 62,9%) nhưng tỷ lệ vốn đầu tư bình quân còn khá thấp, chỉ đạt ở mức 19,34 triệu USD/dự án; con số này với các dự án FDI là 104,33 triệu USD/dự án.
Ngoài ra, trong số 67 dự án đã nhận giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa đi vào hoạt động, chiếm tỷ lệ lớn vẫn là các doanh nghiệp nội địa. Các thủ tục hành chính, các quy định về thuế, quy định trong cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài… hoạt động khá rời rạc nên chưa tạo được hiệu ứng tích cực cho hoạt động khoa học công nghệ. Đặc biệt, vốn ngân sách cấp cho đầu tư xây dựng ít và hạn chế, cộng với quỹ đất của SHTP đã cạn nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các công trình đầu tư xây dựng và cơ hội thu hút đầu tư.
GIA QUẢNG