Khu Văn Thánh TPHCM: Phố thành… sông!

Nước lên: dân tự bơi
Khu Văn Thánh TPHCM: Phố thành… sông!

Mấy tháng qua, cứ đến hẹn lại lên, mỗi tháng 2 lần thủy triều dâng, bỗng dưng nước ngập sâu lênh láng, biến cả khu phố Văn Thánh, phường 25 quận Bình Thạnh TPHCM chìm trong biển nước. Người dân phải tự góp tiền để nâng đường cao lên, xong rồi lại phải nâng nhà, có gia đình chi gần nửa tỷ bạc…

Người dân ở phường 25 quận Bình Thạnh TPHCM chủ động nâng nền nhà để chống ngập. Ảnh: Q.Hùng

Người dân ở phường 25 quận Bình Thạnh TPHCM chủ động nâng nền nhà để chống ngập. Ảnh: Q.Hùng

Nước lên: dân tự bơi

Khoảng 9 giờ ngày 24-11, chúng tôi có mặt tại đường D3 khu Văn Thánh. Mặc dầu nước triều đã rút, nhưng dấu vết ngập nước còn vương lại ở bờ tường, con hẻm, thân cây. Ông Đoàn Đình Long, tổ trưởng tổ dân phố 81, khu phố 4, bức xúc: Ngập nước là vấn đề thời sự ở khu này. Những năm trước có ngập nhưng ít thôi. Đặc biệt từ đầu năm đến nay, mức độ ngập ngày càng nhiều. Cứ hễ đầu, giữa tháng âm lịch nước dâng lên phủ khắp các con phố, trông như biển nước, từ đường chính D3, sang các con hẻm 94, 64, 90 ngập sâu phổ biến 0,5m - 0,7m. Nước ngập, đi lại, sinh hoạt hết sức khó khăn, còn làm ăn thì đành bó tay!

“Kêu phường không được, chúng tôi phải tự lo phương án… sống chung” - ông Long cho biết. Đầu tiên là không cho nước tràn vào nhà, phải nâng nền lên bằng hoặc cao hơn mặt đường. Nhà nâng lên ít độ 0,5m, có nhà nâng cao hẳn lên 2m so với mặt đường, trông giống như… nhà sàn. Nhiều nhà sau vài lần nâng nền đã “đụng trần”! Tại tổ dân phố 81 có khoảng 10 căn nhà thuộc diện “đặc biệt”. Bởi những căn nhà này có hẳn tầng hầm đậu xe ô tô, trước đây là sang trọng nhưng nay trở thành nỗi khổ cho gia chủ, biến thành hồ chứa nước mỗi khi nước triều lên. Căn nhà số 3 lô Y cư xá Văn Thánh thuộc diện này. Tầng hầm sâu hoắm, tối om, nước bì bõm, trông thật nhếch nhác; máy bơm nước công suất lớn án ngữ tại cửa bước vô. Anh Triều, chuyên nghề nâng nhà, đôn nền, đang nhận thi công nâng nền căn nhà, cho biết: Tầng hầm để xe hơi liên tục bị ngập nước, khiến móng nhà hư hỏng làm căn nhà nghiêng hẳn về phía sau. Gia chủ thuê thợ gia cố móng và nâng cao lên toàn bộ căn nhà. Toàn bộ chi phí cho “gói thầu” khoảng 400 triệu đồng!

Nhằm khắc phục ngập nước, cơ bản người dân tự bơi, không chỉ tự bỏ tiền túi nâng nhà mà làm luôn việc thuê tư vấn, khảo sát và thuê thợ để nâng đường. Tại tổ dân phố 81, việc nâng hẻm 94 dài 106m, với chi phí 256 triệu đồng mới thực hiện xong. Ông Đoàn Đình Long cho biết, phương án huy động tài chính phân bổ theo diện tích mặt tiền đường, tức cứ mỗi mét tới là 3,2 triệu đồng, gia đình có mặt tiền đường càng rộng thì đóng tiền càng nhiều, có nhà đóng gần 60 triệu đồng. Tuy nhiên, việc nâng các hẻm còn lại phải chờ làm đường D3 trước, vì hẻm phải cao hơn đường. Theo khảo sát sơ bộ, đường D3 sẽ tốn trên 600 triệu đồng, nhưng người dân vẫn chưa đồng thuận vì còn phụ thuộc tổ dân phố khác.

Tại tổ dân phố 80, ông Cao Văn Ngoan, tổ trưởng tổ dân phố, cho biết, người dân đang rộn rịp nâng nhà, quyên góp tiền để nâng hẻm 157 thuộc đường D2. Con hẻm dài khoảng 200m, đoạn giữa được 2 gia đình bỏ ra 43 triệu đồng nâng lên trước, vì ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Hai đoạn đầu và cuối còn lại sẽ chia cho 9 gia đình, dự tính kinh phí 135 triệu đồng, gia đình nhiều nhất đóng 30 triệu đồng. Ông Ngoan cho biết, nâng đường tốn một thì nâng nhà tốn gấp vài chục lần. Tính trung bình, mỗi căn nhà nâng nền tốn ít nhất 150 triệu đồng!

Giải pháp căn cơ: không có!

Khi chúng tôi hỏi, tại sao nước ngập, người dân đã báo cáo phường nhiều lần nhưng không có sự tham gia “chống ngập” của chính quyền địa phương, ông Trần Thanh Xuân, Chủ tịch UBND phường 25, cho biết: “Chúng tôi đang cho người đi nắm lại”, hẹn sẽ trả lời sau. Trong khi đó, nhiều văn bản tường thuật cuộc họp của phường với tổ dân phố đều có ghi phản ánh bức xúc chuyện ngập nước của dân, văn bản mới nhất còn có ký tên đóng dấu của chủ tịch phường? Phải chăng chính quyền địa phương không biết hay phó mặc cho người dân “tự bơi”?

Còn ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm Chống ngập nước TP, cho biết, khu vực trên ngập là do triều cường cao, mặt đường thấp hơn mực nước kênh rạch vì thế nước tràn vào theo hệ thống cống thoát nước. Thời gian qua Sở Giao thông vận tải đã nâng các trục đường chính ở khu vực Văn Thánh, trung tâm cũng chỉ gắn van ngăn triều ở những tuyến cống chính, còn các tuyến hẻm chưa làm.

Rõ ràng, ngập nước dân khổ là chắc chắn. Thế nhưng việc “giả lơ”, làm “lấy lệ” để dân “tự bơi” chính là thái độ vô trách nhiệm của các cơ quan chức năng!

Việc nâng đường để chống ngập ở nhiều khu vực không phải là cách giải quyết hiệu quả, vì thực chất chỉ là đưa nước từ chỗ cao sang chỗ thấp, hay chuyển ngập nước từ điểm này sang điểm khác. Không riêng gì khu dân cư trên mà nhiều con hẻm phường 25, Bình Thạnh cũng chìm trong biển nước, mỗi khi mưa hoặc triều cường. Khi các tuyến đường chính được tôn cao thì các con hẻm lại trở thành “hồ chứa” bất đắc dĩ. Với lượng nước thủy triều càng ngày càng dâng cao, liệu thành phố sẽ có bao nhiêu “khu phố bỗng dưng là dòng sông uốn quanh”, vậy giải pháp căn cơ để chống ngập là gì?

L.Thiện - Q.Hùng

Tin cùng chuyên mục