Những năm gần đây, với chủ trương tăng cường phát sóng phim Việt trên các đài truyền hình, các khung giờ chuyên biệt dành để chiếu phim Việt ngày càng nhiều. Tuy nhiên, cùng với việc nở rộ khung giờ phim Việt đã nảy sinh không ít vấn đề, nhất là chất lượng phim.
Qua rồi thời khởi sắc
Có thể nói chưa bao giờ, thời lượng cũng như tần suất phát sóng các bộ phim truyền hình do Việt Nam sản xuất lại nở rộ và phong phú như hiện tại. Đặc biệt, hưởng ứng chủ trương đạt trên 30% phim Việt, ngoài các kênh chính của VTV (gồm VTV1 - khung 20 giờ hàng ngày, VTV3 - khung 21 giờ 5, VTV9 - khung 19 giờ 45 và 21 giờ , VTV6 - khung 19 giờ ) và HTV (gồm HTV7 - các khung 13 giờ và 20 giờ , HTV9 - các khung 17 giờ 30 và 22 giờ) thì nhiều kênh truyền hình khác như Vĩnh Long 1 - khung 20 giờ, Let’s Việt - khung 17 giờ và 20 giờ 30, Today TV - khung 21 giờ, SCTV 14 - khung 20 giờ 45 phát sóng cũng dành riêng cho những bộ phim truyền hình Việt Nam dài tập mới ra lò.
Từ 4-4, Đài Truyền hình Bình Dương cũng ra mắt khung giờ mới cho phim Việt vào lúc 17 giờ 30 hàng ngày. Còn các khung chiếu phim “nước hai”, “nước ba” trên các kênh của các đài VTV, HTV, truyền hình cáp và tỉnh có thể kể đến hàng chục khung mỗi ngày...
Để chủ động nguồn phim và ổn định về chất lượng, ngoài việc tự sản xuất như TFS - Đài Truyền hình TPHCM; VFC - Đài Truyền hình Việt Nam, Lasta - kênh Let’s Việt thì các nhà đài và chủ kênh đã chủ động mở cửa cho tất cả các đơn vị xã hội hóa, hoặc chọn lọc đơn vị cung cấp chính cho từng khung giờ. Ví dụ khung 13 giờ hàng ngày trên HTV7 do M& T Pictures cung cấp chính; 21 giờ trên VTV9 do Công ty Sóng vàng cung cấp; 20 giờ trên HTV7 do Sóng vàng và M& T Pictures cùng khai thác; Blue Light (Đại Dương Xanh) cung cấp cho khung 17 giờ 30 trên BTV1...
Dựa trên cơ sở tiêu chí cũng như đối tượng khán giả phục vụ chính, mỗi khung giờ, hay mỗi kênh có chiếu phim Việt mới đều có sự lựa chọn dòng phim, đề tài cho phù hợp. Chẳng hạn như: khung 13 giờ hàng ngày trên HTV7 là những bộ phim dài tập có đề tài phù hợp với khán giả công sở và phụ nữ; khung 21 giờ hàng ngày trên VTV9 chọn giới thiệu những bộ phim có câu chuyện dành cho đại gia đình; khung 20 giờ trên VTV1 thì dành cho những bộ phim có hơi hướng chính luận phản ánh các vấn đề xã hội quan tâm; khung 20 giờ 45 của VL1 thì ưu tiên những bộ phim tâm lý xã hội - hành động với các câu chuyện phá án, điều tra… Có thể nói, nhờ sự “nở rộ” của các khung giờ phim Việt khác nhau mà khán giả đã có nhiều hơn sự lựa chọn cho sở thích của mình.
Thật ra, phim Việt đã từng có giai đoạn khởi sắc, nhất là thời kỳ đầu của làn sóng Giờ vàng phim Việt. Chưa phải quá hoàn hảo nhưng đã có những bộ phim được dư luận đón nhận, theo dõi, bình luận, phân tích, thậm chí trở thành hiện tượng trong cộng đồng mạng, chẳng hạn như Bỗng dưng muốn khóc, Cô gái xấu xí, Ma làng... Cùng với quy định về tỷ lệ 30% thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam so với tổng số thời lượng phát sóng phim truyện trên truyền hình và phim truyện Việt Nam phải được phát sóng vào khung giờ vàng (từ 20 giờ đến 22 giờ) trong ngày đã khiến nở rộ trào lưu thành lập các công ty, đơn vị sản xuất phim.
Hai bộ phim Anh chàng vượt thời gian và Những người độc thân vui vẻ - Hai bộ phim ngưng sản xuất và dừng sản xuất do chất lượng quá tệ.
Rơi rụng niềm tin khán giả
Tuy nhiên, sau thời gian “trăm hoa đua nở”, “nhà nhà sản xuất phim” thì hiện nay ngoài các hãng phim Nhà nước như TFS hay VFC, các đơn vị xã hội hóa có tiềm năng lớn về đầu tư sản xuất phim truyền hình Việt mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, như: M&T Pictures trên 800 tập/năm, Sóng Vàng trên 700 tập/năm; còn lại một số công ty đang tham gia cung cấp phim cho các khung giờ khác như Vietcom Film, Sao Thế giới, Lasta, Sena film, Thiên Nam An, Tâm Điểm, Đại Dương Xanh cũng chỉ sản xuất được trung bình 150 tập (5 phim) - 300 tập/năm/đơn vị... vẫn phải đối mặt với những khó khăn về nguồn kịch bản hay, đội ngũ nhân lực làm phim chưa đủ đáp ứng số lượng, giá cả leo thang…
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của các nhà sản xuất phim Việt là lựa chọn đề tài cũng như thông điệp của phim làm sao để khán giả xem không chán, chọn ê kíp làm phim (đạo diễn, diễn viên) thế nào để có được chất lượng phim đều tay.
Năng lực sản xuất chưa cao, cung không đủ với cầu nên hầu hết phim mới sản xuất đều được chiếu quay vòng nhiều lần (nước hai, nước ba) ở các khung giờ khác nhau trên cùng một kênh, với thời gian gần như gối đầu, liên tục. Và vì có quá nhiều khung giờ phim Việt ở truyền hình cáp, tỉnh (không có nhiều kinh phí mua bản quyền, lượng theo dõi thấp) nên chỉ hưởng ứng việc phủ sóng phim Việt bằng cách chiếu phim cũ, thậm chí nước năm, nước sáu…
Nhìn chung, chất lượng của phim Việt nhìn từ góc độ chuyên môn lẫn thị hiếu khán giả cho đến nay vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Nội dung nhàm chán, cốt truyện rời rạc, nhiều “sạn” không đáng có, kỹ thuật xử lý âm thanh ánh sáng kém, diễn viên diễn xuất gượng gạo, thiếu hồn... đang khiến phim Việt mất dần uy tín. Tuy có lợi thế về khung giờ phát sóng nhưng phim Việt lại tỏ ra yếu thế, cạnh tranh trầy trật với lượng phim ngoại.
Thế nhưng, trong bối cảnh khung giờ phim Việt xuất hiện ngày càng nhiều đã dẫn đến tình trạng phim làm ra, dù dở cũng được các đài mua và phát sóng cho đủ thời lượng, bất chấp dư luận chê bai. Không thiếu những bộ phim bị coi là “thảm họa”, vấp phải sự phản ứng dữ dội của công chúng, thậm chí phải cắt bỏ hoặc bị buộc phải dừng sản xuất, dừng phát sóng vì bị khán giả quay lưng, chất lượng quá tệ hại hoặc có những cảnh quay dung tục.
Việc hình thành các khung giờ phim Việt, trong đó có khung giờ vàng, mục đích là kích thích năng lực sản xuất phim trong nước, từ đó tạo điều kiện để phim Việt phát triển, ngày càng có nhiều phim hay, đáp ứng nhu cầu thị hiếu đa dạng của công chúng, từng bước thay thế và đẩy lùi phim ngoại từng một thời chiếm lĩnh màn ảnh truyền hình cả nước. Tuy nhiên, với thực trạng hiện tại, khi mà năng lực sản xuất phim từ công nghệ cho đến con người vẫn còn nhiều bất cập, việc mở rộng số lượng khung giờ phim Việt trở thành con dao hai lưỡi, chẳng những không giúp thúc đẩy phim Việt phát triển mà dường như còn góp phần kéo thụt lùi. Hệ quả là niềm tin của khán giả vào phim Việt ngày một ít đi.
|
Khắc Thi - Xuân Hướng