Khủng hoảng chính trị ở Nam Mỹ

Những biến động trên chính trường Brazil hiện nay đã không còn nằm trong phạm vi của một quốc gia.

Theo giới phân tích, những bất ổn tại Brazil hiện nay bắt nguồn từ nền kinh tế yếu kém cùng những đấu đá quyền lực trên chính trường làm sự bực tức của người dân bùng phát.

Từng là quốc gia có nền kinh tế đứng thứ 7 thế giới nhưng chỉ trong 2 năm, Brazil chìm sâu vào khủng hoảng lớn chưa từng có như hiện nay. Lạm phát đang ở mức 10%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức 6,9%, cao nhất trong 8 năm gần đây. Kinh tế Brazil được dự báo sẽ giảm 3,8% trong năm thứ hai liên tiếp. Thêm vào đó là vụ bê bối tham nhũng tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Brazil Petrobras góp phần gây ra cuộc khủng hoảng toàn diện, kéo theo quyết định luận tội bà Rousseff. Cuộc luận tội này đã mở ra giai đoạn tranh tụng pháp lý kéo dài và kích động thêm các bất ổn chính trị ở Brazil. Tiến trình này có thể kéo dài đến cuối năm 2016, cho đến khi một quyết định cuối cùng được đưa ra.

Chính phủ lâm thời của Brazil hiện không nhận được nhiều sự ủng hộ và liên tục đối mặt với nhiều chỉ trích rằng đã gây ra cuộc lật đổ Tổng thống Rousseff. Sự thay thế liệu sẽ mang lại những gì cho Brazil vẫn là một điều khó đoán định. Lý do là những vấn đề lớn đối với nước này vẫn còn nguyên vẹn và hoàn toàn có thể trầm trọng hơn bởi đến nay, đối đầu giữa chính quyền lâm thời và bà Rousseff vẫn chưa kết thúc. Dư luận cũng không đặt niềm tin vào Tổng thống lâm thời Temer vì bản thân ông cũng dính líu đến vụ bê bối Petrobas. Trong các cuộc khảo sát gần đây, chưa đến 2% người Brazil được hỏi nói rằng sẽ bỏ phiếu cho ông ở tổng tuyển cử.

Bất ổn ở Nam Mỹ không chỉ riêng tại Brazil. Venezuela - một đồng minh thân thiết với Brazil cũng đang rơi vào những vụ đấu đá chính trị sau khi phe đối lập giành quyền kiểm soát quốc hội vào cuối năm ngoái, chủ yếu nhờ vào sự phẫn nộ của người dân nước này trước việc thiếu nhu yếu phẩm, bạo lực tràn lan. Quốc gia có nguồn dự trữ dầu thô quan trọng bậc nhất thế giới này đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi sự sụt giảm của giá dầu, vốn chiếm hơn 90% GDP. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế giảm 5,7% trong năm ngoái và tỷ lệ lạm phát lên tới 180%. Khó khăn về kinh tế càng khó giải quyết hơn trong bối cảnh phe đối lập kiểm soát quốc hội. Khủng hoảng chính trị trở nên nghiêm trọng sau khi vào đầu tháng 5 phe đối lập thu thập đủ 1,8 triệu chữ ký ủng hộ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về việc bãi nhiệm Tổng thống Maduro. Tuy nhiên, Phó Tổng thống Venezuela Aristóbulo Istúriz ngày 15-5 khẳng định, nước này sẽ không tiến hành trưng cầu dân ý về vấn đề bãi nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với tổng thống do phe đối lập có hành vi gian lận trong thủ tục liên quan tới cuộc bỏ phiếu này.

Các diễn biến diễn ra tại Brazil và Venezuela cho thấy, khủng hoảng đã trở thành thách thức mang tầm khu vực. Tổng thư ký Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) Ernesto Samper cũng vừa bày tỏ lo ngại về tình hình bất ổn ảnh hưởng tới thể chế dân chủ ở Mỹ Latinh. Ngoài việc bản thân hai nước Brazil và Venezuela phải cố gắng tự giải quyết mâu thuẫn chính trị cũng như khắc phục khủng hoảng kinh tế, có thể các quốc gia Nam Mỹ, các tổ chức lớn của khu vực cũng nên tạo ra một mặt trận thống nhất, gạt bỏ mọi bất đồng tìm giải pháp chung để giải quyết vấn đề sao cho hiệu quả nhất, tránh ảnh hưởng dây chuyền về sau.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục