Khủng hoảng di dân châu Âu tiếp tục căng thẳng

Hơn 2.000 người nhập cư tràn vào nhà ga xe lửa chính của Budapest, Hungary ngày 3-9 sau khi cảnh sát Hungary rút đi gây ra cảnh hỗn loạn. Sự việc cho thấy Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng di dân, chưa có lối ra.
Khủng hoảng di dân châu Âu tiếp tục căng thẳng

Hơn 2.000 người nhập cư tràn vào nhà ga xe lửa chính của Budapest, Hungary ngày 3-9 sau khi cảnh sát Hungary rút đi gây ra cảnh hỗn loạn. Sự việc cho thấy Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng di dân, chưa có lối ra.

Hàng ngàn người xông vào xe lửa, nhồi nhét trẻ em qua các cửa sổ đang mở với niềm tin họ có thể đến Áo và Đức. Nhà điều hành đường sắt chính của Hungary cho biết, không có con tàu nào đến Tây Âu vì vậy nhà chức trách yêu cầu các di dân xuống tàu. Cảnh sát đã canh giữ dòng di dân này ngăn họ lên tàu trong 2 ngày qua nhưng cuối cùng đã rút lui.

Hơn 2.000 người di dân, đa số là những người tỵ nạn từ các cuộc xung đột ở Trung Đông và châu Phi đã cắm trại ở phía trước nhà ga Keleti trong khi EU cho biết họ không có giấy tờ hợp lệ để đến bất cứ nơi nào ở châu Âu. Vụ việc này cho thấy thêm bế tắc về cuộc khủng hoảng di dân ở châu Âu được xem tồi tệ nhất kể từ khi cuộc chiến tranh Nam Tư những năm 1990.

Vụ việc cũng trùng hợp với cuộc tranh luận đặc biệt tại Quốc hội Hungary về việc thắt chặt luật nhập cư và trừng phạt những người cố vượt hàng rào cao 3,5m do Hungary xây dựng trên biên giới với Serbia.

Sự hỗn loạn tại ga xe lửa Budapest cũng phản ánh những bất đồng sâu sắc giữa các thành viên EU. Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi tất cả thành viên EU đều phải chia sẻ gánh nặng di dân bằng cách nhận thêm người tỵ nạn nhưng nhiều nước phản đối. Theo AP, Thủ tướng Slovakia nói rằng kế hoạch này sẽ càng khuyến khích các tổ chức tội phạm, trong đó có buôn người hoạt động mạnh hơn. Tây Ban Nha đã bác bỏ hạn ngạch phân phối di dân và Thủ tướng Anh David Cameron từ chối nhận thêm di dân. Italia cho biết sẽ tăng cường an ninh biên giới để ngăn chặn dòng người tỵ nạn đang cố gắng tràn vào EU.

Các thành viên Trung và Đông Âu trong EU gồm Slovakia, Latvia, Slovenia, Estonia, Hunggary, Cộng hòa Czech, Ba Lan và Litva vẫn đang là tuyến đầu trong việc đối phó với dòng người nhập cư. Các nước này dường như không ủng hộ chính sách của Đức như đã từng ủng hộ trong kế hoạch giải cứu Hy Lạp. Họ sẽ nhóm họp vào ngày hôm nay (4-9) ở Praha để lên kế hoạch đối phó với yêu cầu của bà Merkel về hạn ngạch di dân của từng nước. Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết, các nước Trung và Đông Âu sẽ không nhận thay người nhập cư cho Tây Âu. Với dân số chỉ 5,4 triệu người, Slovakia gây sốc khi tuyên bố sẽ chỉ chấp nhận 200 người tỵ nạn Thiên Chúa Syria trong khi Đức dự kiến sẽ có tổng cộng 800.000 di dân từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Tổng thống Litva Dalia Grybauskaite cũng đã bác bỏ kế hoạch phân phối hạn ngạch người tỵ nạn trên toàn EU, cho rằng điều đó là “không công bằng và vô nghĩa”.
 

Một hình ảnh đã gây sốc với thế giới, trở thành một trong những hình ảnh đáng sợ nhất của cuộc khủng hoảng di dân tồi tệ nhất ở châu Âu trong 70 năm qua. Bức ảnh cho thấy một đứa bé 3 tuổi chết đuối nằm úp mặt xuống bãi cát tại khu nghỉ mát ở bãi biển nổi tiếng tại Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 2-9. Thi thể đứa bé mặc áo thun và quần short sau đó được một cảnh sát ẵm lên (ảnh).

Khủng hoảng di dân châu Âu tiếp tục căng thẳng ảnh 1

Theo truyền thông châu Âu, đứa bé thuộc gia đình người Syria khoảng 12 người trên đường vượt biển tới hòn đảo Kos của Hy Lạp. Bức ảnh nhanh chóng được chuyền trên Twitter và nhiều mạng xã hội khác. Người tỵ nạn chạy trốn chiến tranh ở Syria, Iraq và các nước có xung đột khác đến bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ tăng cao kỷ lục. Từ đây họ sang Hy Lạp và sau đó sang châu Âu.

THỤY VŨ (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục