Khủng hoảng năng lượng

Không đáp ứng được nhu cầu năng lượng ngày càng cao của các doanh nghiệp hiện trở thành nguy cơ chính khiến bánh xe tăng trưởng của Indonesia bị hãm phanh. Mặc dù những con số khả quan đánh giá nợ công Indonesia do Fitch mới đưa ra sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn, nhưng các nhà phân tích cho rằng các khoản trợ cấp lãng phí và nạn tham nhũng sẽ làm giảm nguồn đầu tư quan trọng vào cơ sở hạ tầng năng lượng.

Indonesia là nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới và đứng thứ 3 về xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng. Vậy mà có tới 1/3 người dân nước này lại không có điện. Ở những vùng hẻo lánh như Papua, tỷ lệ này chiếm hơn một nửa. Báo cáo năm 2011 của Ngân hàng Thế giới (WB) đã xếp Indonesia 161/183 quốc gia về mức độ bảo đảm cung cấp điện cho doanh nghiệp, giảm 3 bậc so với năm 2010.

Khủng hoảng năng lượng trước hết do vị trí địa lý. Quốc gia này có 17.000 hòn đảo, nên hệ thống giao thông, nhất là đường sắt, rất kém, đã cản trở việc cung cấp than. Bên cạnh đó, việc thiếu đường ống dẫn khí cũng ngăn nguồn cung khí đốt đến các gia đình. GDP của Indonesia dự kiến tăng 6,3% trong năm nay, kéo theo nhu cầu năng lượng cũng tăng mạnh đến 6,2%. Với tốc độ tăng trưởng như thế, nước này cần chi tương đương 5% GDP để phát triển cơ sở hạ tầng. Nhưng, nhiều chính trị gia và người dân lại phản đối luật thu hồi đất đai mới được thông qua.

Theo đó, bảo đảm các nhà đầu tư được thu hồi đất để xây dựng cảng và trạm năng lượng. Hơn nữa, giá dầu cứ tiếp tục tăng, ngân sách Indonesia sẽ gặp rủi ro. Chính phủ định bỏ trợ cấp nhiên liệu phương tiện cá nhân ở Jakarta và Bali vào tháng 4-2012, nhưng xe máy (có số lượng gấp 10 lần ô tô) vẫn được hưởng trợ cấp.

Ngoài ra, việc đầu tư lệch ở các chính quyền cấp dưới là nguyên nhân gây khủng hoảng năng lượng. Theo Quỹ châu Á, chỉ có 14% ngân sách chính quyền địa phương được đầu tư vào cơ sở hạ tầng, so với mức 60% cho các nhân viên. Thậm chí, đối với các dự án cầu đường, chi phí phân bổ cho chúng chỉ bằng 1/4 so với số tiền bảo dưỡng định kỳ. Tham nhũng trầm trọng đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài giảm lòng tin trong khi Indonesia đang cần 100 tỷ USD từ vốn tư nhân để cải thiện hệ thống giao thông.

Những năm gần đây, Indonesia đã chuyển từ dùng dầu sang khí để phát điện khi giá dầu thô tăng (kéo theo chi phí trợ cấp tăng), biến nước này thành nước nhập khẩu dầu kể từ năm 2004. Việc thiếu nguồn cung khí đốt đã khiến các công ty tận dụng nguồn nhiên liệu có chi phí cao hơn. Nhiều nhà sản xuất còn “kiếm chác” từ việc xuất khẩu dầu giá cao hơn trong nước. Tình trạng này làm nhiều doanh nghiệp hoãn kế hoạch mở rộng sản xuất. Chính vì thế, để đối phó với sự thiếu hụt, lần đầu tiên chính phủ cho phép các công ty tư nhân nhập khẩu khí đốt tự nhiên. 

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục