Ngày 5-9, cảnh sát Áo cho biết, khoảng 4.000 người di cư từ Hungary đã vào Áo, trong đó, một số nhóm đầu tiên đã sang Đức. Diễn biến này diễn ra sau khi Đức và Áo đồng ý tiếp nhận người di cư từ Hungary. Hình ảnh thi thể cậu bé 3 tuổi người Syria Aylan Kurdi dạt vào bờ biển TP Bodrun, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ đã làm chấn động châu Âu và sẽ buộc các chính phủ ở lục địa già phải hành động.
Nới rộng vòng tay
Thủ tướng Áo Werner Faymann cho biết, sau khi tham vấn với người đồng cấp Đức Angela Merkel, ông đã thông báo cho Thủ tướng Hungary Viktor Orban về quyết định tiếp nhận người di cư mắc kẹt ở Budapest.
Đoàn người di cư vào Áo
Trong khi đó, Chính phủ Bỉ cho hay từ ngày 7-9 tới, nước này sẽ đưa vào sử dụng 1 tòa nhà dành cho người xin nhập cư đợi đăng ký tại Cơ quan Quản lý người nước ngoài ở Brussels. Thủ tướng Bỉ Charles Michel kêu gọi người dân Bỉ cũng như châu Âu đoàn kết giúp đỡ người xin nhập cư. Kể từ đầu tháng 7 vừa qua, Bỉ đã bố trí 10.000 chỗ tiếp nhận người xin nhập cư. Bên cạnh đó, Brussels cũng quyết định triển khai các biện pháp nhân đạo mới với việc giải ngân 30 triệu EUR để hỗ trợ cho cuộc khủng hoảng tại Syria.
Tờ La Croix của Pháp nhận định, hình ảnh em bé chết đuối đã ngăn cấm châu Âu dựng lên “bức tường vô cảm” và thúc đẩy chính phủ các nước và người dân châu Âu phải “hành động” nhiều hơn nữa. “Ngay người Anh, có tiếng do dự, cũng hành động. Chỉ trong vòng một ngày, 100.000 người ký kiến nghị kêu gọi Chính phủ Anh đón tiếp thêm người tỵ nạn”, La Croix viết.
Tìm chính sách phù hợp
Ngoại trưởng Italia Paolo Gentiloni đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) xem xét lại quy chế về người tỵ nạn nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư mà khối này đang phải đối mặt trong thời gian qua. Ông Gentiloni cho rằng quy chế tỵ nạn mà Hiệp ước Dublin đưa ra cần được điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình. Theo Hiệp ước Dublin, những người di cư đến châu Âu chỉ có thể xin quy chế tỵ nạn ở quốc gia đầu tiên thuộc EU mà họ đến. Với quy định này, hàng vạn người có thể bị trả về những nước nằm ở cửa ngõ EU nếu không được nước mà họ muốn xin tỵ nạn chấp nhận. Quy định này đã khiến Italia và Hy Lạp thường xuyên đối mặt với tình trạng hỗn loạn và quá tải ở các trại tiếp nhận do có quá nhiều người đổ về.
Trước đó, người đứng đầu Cao ủy LHQ về người tỵ nạn, ông Antonio Guterres, cũng kêu gọi châu Âu tìm tiếng nói chung, cùng nhau sẻ chia gánh nặng người nhập cư, để tiếp nhận 200.000 người tỵ nạn. Theo kế hoạch, vấn đề người nhập cư sẽ được đề cập tại cuộc họp Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp châu Âu vào ngày 14-9 tới ở Brussels và tại Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra vào ngày 15 và 16-10 tới. Dự kiến 28 quốc gia thành viên EU sẽ lập danh sách các quốc gia an toàn cũng như tiếp tục bàn về việc phân chia hạn ngạch tiếp nhận người nhập cư.
| |
Đỗ Cao (tổng hợp)